Nhiều triển vọng thúc đẩy ngành chứng khoán trong những tháng cuối năm 2023
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm nay thì tốc độ tăng trưởng trong 2 quý cuối năm cần đạt khoảng 9-10% đây là mục tiêu rất thách thức. Dư địa có thể đến từ các chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đồng thời các chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ kỳ vọng thẩm thấu vào nền kinh tế.
Hiện nay, cổ phiếu ngành chứng khoán có tính chu kì rất lớn và thường đồng pha với điểm số và thanh khoản của thị trường chung. Điều này cũng dễ hiểu bởi khi thanh khoản tăng sẽ giúp cải thiện doanh số môi giới và cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán và khi thị trường tăng điểm thì các danh mục tự doanh cổ phiếu của các công ty này cũng được hưởng lợi.
Trong góc nhìn của ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận phân tích thị trường, CTCK BIDV (BSC), ngành chứng khoán gắn chặt với biến động của thị trường, biến động lãi suất và chu kỳ của nền kinh tế. TTCK đang đi trước chu kỳ kinh tế và chu kỳ tăng điểm của TTCK sẽ còn kéo dài trong 1 đến 2 năm tới.
TTCK nói chung và ngành chứng khoán nói riêng còn động lực tăng trưởng giá. Xét về cơ bản, lợi nhuận của ngành chứng khoán chủ yếu đến từ hoạt động môi giới và cho vay ký quỹ. Xu hướng thị trường tăng điểm và thanh khoản thị trường duy trì trên 20 nghìn tỷ/phiên là điều kiện quan trọng giúp cho các doanh nghiệp trong ngành có tăng trưởng lợi nhuận bắt kịp đà tăng vốn mạnh trong giai đoạn 2021-2022.
CTCK VNDIRECT thì vẫn giữ quan điểm tích cực với triển vọng ngành chứng khoán trong những tháng cuối năm 2023, dựa trên những yếu tố chính: Thứ nhất, Việt Nam là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính - chứng khoán, được hưởng lợi từ nhờ mức độ thâm nhập vẫn còn thấp, tốc độ tăng trưởng thu nhập khả dụng cao và cam kết của Chính phủ trong việc phát triển lĩnh vực này. Đây là yếu tố hỗ trợ sự phát triển của ngành chứng khoán trong dài hạn.
Thứ hai, lãi suất tiền gửi thấp sẽ hỗ trợ dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán, qua đó nâng cao thanh khoản và cải thiện kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán.
Ông Phạm Lê Duy Nhân, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư, Công ty quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, với triết lý có phần đi ngược thị trường nên quỹ thường mua các cổ phiếu chứng khoán tại các giai đoạn thị trường sụt giảm mạnh về điểm số và thanh khoản, lúc có định giá P/B rất rẻ và chờ đợi thời điểm thị trường hồi phục trở lại.
Ngành chứng khoán có tính chu kỳ rất cao do vậy nhà đầu tư phải có hiểu biết rõ ràng về chu kỳ thị trường cũng như có phương pháp đầu tư linh hoạt và quản trị rủi ro tốt. Thực tế, mỗi một CTCK có một thế mạnh riêng, tuy nhiên một CTCK tốt sẽ có nền tảng môi giới, cho vay margin mạnh. Hoạt động này cũng là nền tảng cho triển khai các dịch vụ khác.
Đặc thù thị trường cũng gặp thách thức khi khu vực sản xuất vẫn đang gặp nhiều khó khăn và suy giảm nhiều tháng liên tiếp, số lượng DN rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng. KQKD nhiều nhóm ngành nửa đầu năm thua lỗ, hoạt động SXKD bị thu hẹp. Đà tăng của những nhóm cổ phiếu này sẽ khó bền vững khi chưa gắn với hoạt động kinh doanh thực tế.
Khi lựa chọn đầu tư vào một công ty chứng khoán, nhà đầu tư cần lựa chọn những doanh nghiệp đầu ngành, có lợi thế cạnh tranh bền vững nhằm đón đầu xu hướng phát triển của ngành trong thời gian tới; các công ty nắm giữ có ưu thế về nguồn vốn.