Dự chi hơn 1.000 tỷ đồng sửa chữa đường băng sân bay duy nhất ở Tây Nguyên
Đây là sân bay được người Pháp xây dựng năm 1933, được người Mỹ tu sửa, nâng cấp từ năm 1956.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mới đây đã trình Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án và chấp thuận danh mục cho phép chuẩn bị đầu tư dự án sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Liên Khương.
Theo đó, sân bay Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng) được người Pháp xây dựng năm 1933, được người Mỹ tu sửa, nâng cấp từ năm 1956.
Đến năm 1997, sân bay Liên Khương được nâng cấp kéo dài đường băng từ 1.480m lên 2.354m, đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 3C (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO).
Năm 2003-2007, sân bay Liên Khương được cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay đảm bảo khai thác máy bay Airbus A320, A321 và tương đương, đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 4C.
Trong giai đoạn 2007-2023, lượng hành khách qua sân bay Liên Khương tăng trung bình 25,6%. Năm 2023 lượng hành khách đạt 2,548 triệu khách.
Tuy nhiên, đường băng, đường lăn sân bay Liên Khương có kết cấu bê tông nhựa có tuổi thọ theo thiết kế là 10 năm nhưng đến nay đã khai thác 18 năm với tần suất hạ cất cánh tăng 2,1 lần.
Do vậy, đến nay đường băng, đường lăn sân bay Liên Khương đã xuống cấp, bề mặt xuất hiện các hư hỏng như: biến dạng, hằn vệt bánh xe, rạn nứt, bong bật… cần thiết phải sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn khai thác.
Qua nghiên cứu của tư vấn, ACV đề xuất sửa chữa đường băng sân bay Liên Khương hiện hữu dài 3.250m, rộng 45m và sân quay đầu máy bay, đường lăn E1, E2.
Đồng thời sửa chữa hệ thống lề đường băng, đường lăn, hệ thống đèn hiệu, biển báo hàng không, hệ thống thiết bị hạ cánh chính xác (ILS)…
ACV kiến nghị lựa chọn kết cấu mặt đường băng là bê tông xi măng lưới thép để khắc phục triệt để hư hỏng, xuống cấp của đường băng, đường lăn; đảm bảo khai thác dài hạn theo thiết kế 20 năm thay cho mặt đường băng bê tông nhựa có tuổi thọ khai thác 10 năm.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.045 tỷ đồng từ nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Thời gian thi công dự kiến khoảng 6 tháng (đóng cửa sân bay vào thời gian thấp điểm về khai thác để thi công).
Công ty ACV kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, thống nhất phương án để có cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo nhằm khắc phục triệt để những hư hỏng trên đường băng, đường lăn nhằm đảm bảo sân bay Liên Khương khai thác được an toàn, ổn định lâu dài.
Cảng hàng không quốc tế Liên Khương ở TT. Liên Nghĩa, H. Đức Trọng, cách TP. Đà Lạt 28km, việc cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế, không chỉ là sự mong đợi của các cấp chính quyền và người dân tỉnh Lâm Đồng mà còn sự mong đợi của các công ty lữ hành trong nước và quốc tế, đặc biệt du khách quốc tế đến Đà Lạt cũng như nhiều địa phương khác của Tây Nguyên.
Hiện tại, sân bay Liên Khương chỉ có 1 nhà ga hành khách dùng chung cho cả khách nội địa và quốc tế. Sân bay đã bố trí thêm các khu vực phục vụ khách từ các chuyến bay quốc tế như hải quan, công an cửa khẩu, xuất nhập cảnh. Đặc biệt, sân bay sẽ mở mới, khai thác các đường bay quốc tế từ Liên Khương tới các thị trường trọng điểm, tiềm năng, nhằm kích cầu lượng khách du lịch quốc tế như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…