Du lịch Đà Nẵng nên hướng tới nhóm đối tượng siêu giàu
Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống”, TS. Lương Hoài Nam đề xuất: “ Việt Nam nên có đề án hình thành hệ sinh thái du lịch cho đối tượng siêu giàu và Đà Nẵng cũng nên hướng tới điều này”.
Trong phiên hội thảo thứ nhất, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, ông Lê Trọng Minh đặt ra với các diễn giả là, Đà Nẵng sẽ tự làm mới mình như thế nào để tiếp tục bứt phá, tăng tốc, để mãi xứng danh là nơi đáng đến và nơi đáng sống bậc nhất Việt Nam?
Trước khi trả lời câu hỏi, TS. Lương Hoài Nam phân tích: “Năm 2021, Hội đồng tư vấn du lịch – TAB đánh giá về tiêu chí năng lực cạnh tranh điểm đến để phát triển du lịch, Đà Nẵng là số 1 Việt Nam. Với những lợi thế này, ông Nam cho rằng Đà Nẵng đang xác định rất đúng là đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nếu với cả nước du lịch đóng góp 9% vào GDP thì Đà Nẵng phải tận dụng mọi cơ hội, tiềm năng để đóng góp vào tăng trưởng cao hơn, khoảng 15% mới xứng đáng với tiềm năng”.
Nếu đặt Đà Nẵng của Việt Nam so với một số nước trong khu vực, ông Nam cho rằng, ở Đà Nẵng trên một không gian không quá rộng, chỉ có 1300 cây số vuông, tức là gấp rưỡi Singapore, Đà Nẵng là điểm đến số 1, điểm đến tốt nhất Việt Nam, chỉ rộng 1.000 km2 nhưng Đà Nẵng có tất cả mọi thứ, từ đô thị xinh xắn, là một trong những nơi biển đẹp nhất châu Á, nằm trong các bãi biển đẹp nhất thế giới, hệ sinh thái về du lịch là số 1 Việt Nam.
Ông Nam thẳng thắn: “Tôi nghĩ biển là 1 trong khu vực biển đẹp nhất Châu Á và đẹp nhất thế giới. Tôi thấy quá vô duyên khi chúng ta cứ đi du lịch Phuket, Koh samui, trong khi thực sự biển Việt Nam mới là thiên đường. Trên diện tích chỉ gấp rưỡi Singapore, Đà Nẵng có núi rất đẹp: Ngũ Hành Sơn, Bà Nà… tức là hệ sinh thái về du lịch ở Đà Nẵng là số 1 Việt Nam, không có tỉnh thành nào ở Việt Nam có mọi thứ như Đà Nẵng”.
Với quan sát của mình, ông Lương Hoài Nam cũng nhận xét, Đà Nẵng có sự thận trọng hơn trong chống dịch, nên thành phố này mở cửa chậm hơn các địa phương khác một chút. Nhưng hiện nay khách nội địa đến Đà Nẵng đã đông trở lại. Với các hoạt động xúc tiến vừa qua của Thành phố và các doanh nghiệp, vị chuyên gia này tin rằng, thời gian tới Đà Nẵng sẽ phục hồi nhanh hơn.
Về khách quốc tế, ông Nam cho rằng sẽ khó khăn hơn bởi các ảnh hưởng về dịch bệnh, chiến tranh vẫn nhiều nên để phục hồi các thị trường quốc tế là không hề đơn giản.
Ông Nam cũng nhắc đến con số ấn tượng trước khi có đại dịch Covid – 19 thì cứ hai tuần ngành du lịch Việt Nam kiểm dược 1 tỷ USD từ khách quốc tế, hiếm có ngành nào có doanh thu khủng như vậy.
Nhưng bối cảnh hiện nay, theo ông Nam, cần thiết vừa tranh thủ khai thác nội địa thật tốt, vừa cố gắng tối đa khai thác các đường bay quốc tế, và cũng là thời điểm có để đầu tư thoả đáng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để phục hồi và phát triển du lịch mạnh hơn. “Chúng tôi đã kiến nghị với Thủ tướng mở hơn nữa chính sách visa, Mỹ, Úc, Newzealand, Ấn Độ… và toàn bộ các nước châu Âu. Tôi đi xúc tiến nước ngoài nhiều, khách du lịch quốc tế rất mệt mỏi khi làm thủ tục visa”, ông Nam trao đổi.
Ông đánh giá cao về chính sách liên quan đến chống dịch tại Việt Nam, mọi thứ gần như đã bình thường, ông Nam cho biết, Hội đồng tư vấn Du lịch cũng đã kiến nghị bỏ đeo khẩu trang. Và các địa phương, trong đó có Đà Nẵng cũng nên kiến nghị thêm các chính sách, quy định cởi mở hơn để phát triển du lịch.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nam cũng nêu một lo ngại về lâu dài, nếu không cẩn thận, Sân bay Đà Nẵng có thể sẽ là nút thắt trong phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng. Theo ông, Sân bay Đà Nẵng hoàn toàn có thể đưa công suất lên 30- 40 triệu khách/ năm và phát triển nhanh về phía Đông và cần phải nhanh để đón cơ hội sau đại dịch. “Tôi tin rằng, du lịch Đà Nẵng còn rất nhiều cơ hội phát triển. Đà Nẵng có diện tích gấp rưỡi Singapore nhưng hiện nay lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng rất ít so với Singapore”, ông Nam nói.
Trao đổi thêm, TS. Lương Hoài Nam cho rằng cần làm rõ Đà Nẵng đáng đến với đối tượng nào, vì đối tượng bình dân và siêu giàu khác nhau rất nhiều. Ông Nam cho rằng, Việt Nam chưa có hệ sinh thái du lịch siêu giàu. Hiện nay cả nước không có một chiếc trực thăng VIP, trực thăng y tế, trong khi 1 khách nhà giàu chi tiêu bằng hàng trăm khách bình thường. Chúng tôi đã kiến nghị cần sớm hình thành đề án về hệ sinh thái du lịch phục vụ giới siêu giàu, và Đà nẵng cũng nên hướng tới đối tượng siêu giàu, ông Nam nêu quan điểm.
Trả lời ngắn gọn về điều cần làm nhất lúc này để Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến, ông Nam cho rằng, ông vẫn nghĩ đến cần nhanh chóng mở rộng Sân bay Đà Nẵng về phía đông ở đẳng cấp quốc tế và trong đó có cả nhà ga phục vụ máy bay VIP. Điều này cần thực hiện càng sớm càng tốt, ông Nam nhấn mạnh.