Dự thảo Luật Đất đai: UB Kinh tế không tán thành quan điểm 'phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường'
Uỷ ban kinh tế của Quốc hội không tán thành quan điểm của dự thảo Luật về "phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường".
Sáng 9/6, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày. Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự luật này.
Làm rõ thêm về nguyên tắc định giá đất
Qua thẩm tra dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Uỷ ban Kinh tế không tán thành quan điểm của dự thảo Luật về "phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường". Uỷ ban Kinh tế cho rằng khái niệm này là chưa thực sự rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Theo đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW yêu cầu phải bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, đất đai là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước khi tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quá lớn, dẫn đến giảm sự cạnh tranh về giá hàng hóa, dịch vụ, cạnh tranh về thu hút đầu tư, không tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, cần xác định khi thu hồi đất thực hiện các dự án để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì lợi ích đem lại là cho toàn dân.
"Việc duy trì một mặt bằng hợp lý chi phí liên quan đến đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững, từ đó tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước", Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu
Với cách tiếp cận như vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu chỉnh sửa để có quy định bảo đảm tính khả thi, bổ sung nguyên tắc định giá đất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW và rà soát, chỉnh sửa các quy định có liên quan bảo đảm nguyên tắc này; làm rõ "giá đất" hay "giá quyền sử dụng đất"; mối quan hệ giữa "giá đất" và "bảng giá đất".
Tại Tờ trình về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Dự thảo Luật đã làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất, các phương pháp định giá đất. Bổ sung quy định về tư vấn thẩm định giá đất.
Theo đó, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong các khâu xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất.
Xây bảng giá đất hàng năm
Vấn đề đang gây chú ý của dư luận là giá đất, phương pháp định giá và đặc biệt là bảng giá đất xây dựng bao nhiêu năm (hàng năm, định kỳ 3- 5 năm hay lâu hơn sẽ hợp lý). Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế khẳng định: Sau khi nghiêm cứu Uỷ ban Kinh tế "cơ bản nhất trí việc xây dựng bảng giá đất hằng năm bảo đảm sự cập nhật kịp thời với biến động giá đất trên thị trường".
Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ nghiên cứu để có lộ trình thích hợp và có phương án quy định linh hoạt hơn trong trường hợp đến thời hạn ngày 01/01/2026 vẫn chưa hoàn thành được việc xây dựng Bảng giá đất hằng năm, nhất là đối với các địa phương có điều kiện khó khăn, không có nhiều dữ liệu để xây dựng bảng giá đất.
"Quy trình điều chỉnh, sửa đổi cần quy định phù hợp để bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu quy định rõ về nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí để phân biệt với giá đất cụ thể và cách xác định "vùng giá trị", "thửa đất chuẩn"; nghiên cứu bổ sung quy định về Hội đồng nhân dân cấp tỉnh "quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất" đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.", Báo cáo thẩm tra lưu ý.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Kinh tế cho biết hiện một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định hằng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, trong mỗi năm áp dụng bảng giá và hệ số điều chỉnh, đối với các khu vực có biến động 20% trở lên thì điều chỉnh hệ số điều chỉnh.