Một số ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Bình Phước

Đến nay, Bình Phước đã tổ chức 43 cuộc Hội nghị, hội thảo (tại các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp huyện, cấp xã) và đã nhận được 2.717 lượt ý kiến, trong đó: 2.302 lượt ý kiến thống nhất và 415 lượt ý kiến góp ý. Kinh doanh và Phát triển trân trọ

Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, những ý kiến góp ý tập trung vào các nội dung cụ thể sau đây:

1. Chương I. Quy định chung

1.1. Điều 3:

- Khoản 1 Điều 3 có quy định “Bản đồ địa chính” đề nghị bổ sung thêm quy định về “mốc thời gian hình thành bản đồ địa chính”. Lý do: Bản đồ địa chính được hình thành ở nhiều mốc thời gian khác nhau, trước đây có nhiều loại bản đồ đo vẽ thủ công, đến hiện nay thì bản đồ đo vẽ bằng mày đo đạc.

- Tại khoản 4, đề nghị bỏ cụm từ “bằng đất”, thay bằng cụm từ “bằng quyền sử dụng đất” cho phù hợp.

- Khoản 9 Điều 3: Sửa đổi, bổ sung thành: Chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác, từ tổ chức này sang tổ chức khác thông qua các hình thức chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, Phân chia tài sản là QSDĐ của hộ gia đình cho các cá nhân trong hộ.

- Chuyển khoản 34 giải thích về hành vi “Lấn đất” lên ngày khoản 6 giải thích về hành vi “Chiếm đất”; chuyển khoản 41 giải thích về “Quy hoạch sử dụng đất” lên ngay trên khoản 29 giải thích về “Kế hoạch sử dụng đất”; đồng thời đề nghị rà soát, chỉnh sửa số thứ tự của các khoản cho phù hợp với việc sắp xếp, chuyển vị trí. Tương tự, tại Điều 3 đề nghị rà soát toàn bộ các khoản để sắp xếp theo nội dung góp ý trên.

- Đề nghị bổ sung thêm thuật ngữ “Người sử dụng đất hiến, tặng đất” vào Điều 3 dự thảo Luật cho phù hợp vì trên thực tế có rất nhiều trường hợp người dân hiến, tặng đất để làm các công trình công cộng, làm nhà Đại Đoàn kết; ý nghĩa vấn đề này khác với việc “Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất”.

- Tại khoản 26, Điều 3, đề nghị sửa đổi thành: “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất và có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.” (Bỏ nội dung không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác).

Lý do: Thực tiễn tại địa phương, rất nhiều gia đình sử dụng đất đã được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất trước đây nhưng do không thực hiện các giao dịch về đất đai nên có nhiều trường hợp chưa thực hiện gia hạn quyền sử dụng đất. Hoặc hiện nay có nhiều trường hợp đang sử dụng đất lâm phần nhưng không được giao đất vì hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác. Ngoài ra, nhiều công nhân các công ty cao su, các nông trường của nhà nước chỉ làm bán thời gian hoặc công nhân làm việc cho các công ty tư nhân, lương rất thấp, và công việc không ổn định lâu dài. Thu nhập chính của họ là từ việc sản xuất trên đất nông nghiệp do họ tự nhận chuyển quyền, khai phá. Nhưng họ là người được hưởng lương từ các tổ chức kinh tế nên khi bị thu hồi đất lại không được hỗ trợ đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm như những người khác là rất thiệt thòi. Thực tế, việc xác định các đối tượng đang hưởng lương này rất khó khăn.

- Trong một số điều khoản của dự thảo Luật sử dụng thuật ngữ “dự án đô thị”. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật quy hoạch đô thị và các Nghị định liên quan đến đầu tư phát triển đô thị thì chỉ có các loại dự án như: dự án đầu tư phát triển đô thị, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng công trình trong đô thị mà không có định nghĩa về “dự án đô thị”. Do đó, đề nghị đơn vị soạn thảo xem xét bổ sung định nghĩa về “dự án đô thị” vào Điều 3 của dự thảo Luật (giải thích từ ngữ) cho phù hợp.

- Đề nghị có nội dung giải thích từ ngữ về tổ chức kinh tế là gì? Lý do: Hiện nay chưa có luật nào (kể cả Luật Dân sự) định nghĩa thế nào là tổ chức kinh tế dẫn đến việc áp dụng rất khó khăn khi dự thảo của Luật có hiệu lực thi hành.

- Khoản 35 Điều 3 đề nghị viết lại như sau: “miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là việc Nhà nước cho phép người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong một thời gian nhất định hoặc toàn bộ thời gian sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất”. Cần phải phân loại dự án được miễn tiền sử dụng đất trong một thời gian nhất định; dự án được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian sử dụng đất như quy định tại Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn để đảm bảo thứ tự ưu tiên đối với các dự án đầu tư, đảm bảo phù hợp với các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật và tránh lãng phí nguồn lực, thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, đề nghị bổ sung thêm các định nghĩa tại Điều 3 như: “trích lục bản đồ địa chính”, “trích đo bản đồ địa chính”, “nghĩa trang”, “nghĩa địa”, “bồi hoàn”, “lợi ích vật chất khác”, “dự án đô thị”, “điều kiện tương đương” “nhà đầu tư” để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực hiện.

- Bổ sung giải thích “dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng” để đối tượng có liên quan khi cập nhật Luật Đất đai hiểu rõ nghĩa từ ngữ nhằm thực thi các quyền và nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 Điều 29, khoản 4 Điều 53 Luật Đất đai (sửa đổi).

Một số ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Bình Phước - Ảnh 1
Thành phố Đồng Xoài, Bình Phước.

1.2. Điều 4:

Dự thảo quy định trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này và luật khác thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.

Như vậy, quy định tại Điều 4 dự thảo là chưa phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có quy định khác nhau về cùng một vấn đề quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Do đó, quy định của dự thảo cần được điều chỉnh lại để phù hợp và đảm bảo về nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

1.3. Điều 5:

- Đề nghị sửa đổi, bổ sung khái niệm về người sử dụng đất, như sau: “Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất; thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao theo quy định của Luật này; người đang canh tác hợp pháp do nhận chuyển nhượng thành quả lao động gắn liền với đất và người chưa có giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng thửa đất đủ điều kiện cấp Giấy CNQSD đất đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai, đăng ký thủ tục cấp giấy CNQSD đất”. Lý do sửa đổi, bổ sung: Điều 5, Dự thảo Luật quy định về người sử dụng đất, không phải quy định về quyền sở hữu đất đai.

- Điểm b, khoản 1, Điều 5 quy định: “Tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này”. Đề nghị điều chỉnh lại: “…trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này; (7. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.)” thì phù hợp và chính xác hơn.

- Điểm c, khoản 1 quy định về “tổ chức tôn giáo”. Đề nghị xem xét, giữ lại khái niệm “tổ chức tôn giáo” sử dụng đất như luật cũ sẽ rõ ràng, cụ thể hơn so với khái niệm mới của dự thảo: “Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo”.

- Tại khoản 2 Điều 5 quy định “Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (sau đây gọi là hộ gia đình)”.

+ Ý kiến 1: Góp ý điều chỉnh thành “Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất”. Lý do: Hộ gia đình có quyền sử dụng đất chung của các thành viên trong hộ, việc quy định thời điểm trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành không được rõ ràng, khó xác định thành viên hộ tại thời điểm cụ thể, vì vậy đề nghị điều chỉnh bổ sung thêm “từ chung và tại thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất”.

+ Ý kiến 2: Bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất vì hiện nay việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch, thừa kế, thế chấp…. về quyền sử dụng đất mà trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình (hoặc đại diện gia đình).

+ Ý kiến 3: Xem xét bổ sung cụm từ “có đóng góp công sức, tiền của để cùng nhau tạo lập hoặc có quyền sử dụng đất chung do nhận quyền sử dụng đất” để tránh gây khó khăn về sau khi phân chia quyền sử dụng đất chung của hộ hoặc khi hộ thực hiện quyền theo quy định, cụ thể như sau: “Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và có đóng góp công sức, tiền của để cùng nhau tạo lập hoặc có quyền sử dụng đất chung do nhận quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (sau đây gọi là hộ gia đình)”.

+ Ý kiến 4: Hộ gia đình sử dụng đất (sau đây gọi chung là hộ gia đình) bao gồm các thành viên có quyền sử dụng đất chung do cùng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; cùng nhận chuyển quyền sử dụng đất và các trường hợp khác theo thỏa thuận của các thành viên trong hộ.

+ Ý kiến 5: Hộ gia đình sử dụng đất (sau đây gọi chung là hộ gia đình) bao gồm các thành viên có quyền sử dụng đất chung do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các trường hợp khác mà các thành viên thỏa thuận là quyền sử dụng đất chung của hộ.

- Khoản 6 Điều 5 quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch”. Đề nghị nên phân định rõ 2 trường hợp là: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam và Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam.

1.4. Điều 9: Tại khoản 2 Điều 9, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “san lấp” sau cụm từ “cải tạo” cho đầy đủ phù hợp vì hiện nay Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư vào việc cải tạo đối với đất nông nghiệp ở những vị trí trũng thấp, ngập nước, ngập mặn. Ngoài những khu vực trên có những vị trí đất trũng thấp, đất đồi dốc nhưng nằm ngay vị trí thuận lợi giao thông và khu dân cư,…được quy hoạch vào đất ở nông thôn, đất sản xuất kinh doanh. Vì vậy, cần phải có sự kết hợp giữa cải tạo và san lấp để tạo ra những mặt bằng phục vụ cho đất ở nông thôn, đất sản xuất kinh doanh.

1.5. Điều 10:

- Tại điểm đ khoản 2 Điều 10 xem xét bổ sung “đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm”, cụ thể như sau: “đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.”

- Tại điểm d và điểm e, khoản 2 Điều 10: Đề nghị liệt kê đầy đủ hoặc có định nghĩa rõ ràng, quy định các tiêu chí để xác định loại đất như thế nào là đất xây dựng công trình sự nghiệp khác hoặc đất công trình công cộng khác. Lý do: Không dùng khái niệm chung dễ dẫn đến mỗi người (mỗi đối tượng dùng luật) hiểu một ý nghĩa khác nhau từ đó áp dụng luật khác nhau dễ xảy ra rủi ro về pháp lý cho người dùng luật.

- Tại khoản 3 Điều 10 xem xét bỏ cụm từ “đất có mặt nước nội địa; đất có mặt nước ven biển; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối chưa sử dụng” vì đất mặt nước hoặc đất sông suối là đất công và được sử dụng cho một hoặc nhiều chức năng riêng (như tưới tiêu) vì vậy sẽ gây khó khăn trong công tác thống kê, kiểm kê đất đai trong tương lai, cụ thể như sau: “3. Nhóm đất chưa sử dụng là đất chưa giao, chưa cho thuê gồm: đất bằng chưa sử dụng, đất đồi, núi chưa sử dụng, núi đá không có rừng cây và các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng”.

Một số ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Bình Phước - Ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

2. Chương II. Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai

2.1. Điều 17:

- Tại điểm a, khoản 2 Điều 17: Cần làm rõ “đất để sản xuất” là đất nông nghiệp để sản xuất hay đất phi nông nghiệp để sản xuất.

- Đề nghị nên bỏ nội dung quy định tại khoản 4 Điều 17 dự thảo cho phù hợp vì theo khoản 3 Điều này đã quy định “Thủ tướng Chính phủ ban hành Chính sách khung về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số”. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sẽ giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, quy định cụ thể chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

2.2. Điều 20: Đề nghị bỏ nội dung quy định UBMTTQ các cấp tham gia xây dựng Bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất (điểm d khoản 2 Điều 20) việc quy định như dự thảo là chưa phù hợp theo quy định của pháp luật vì theo chức năng, nhiệm vụ thì UBMTTQ chỉ có chức năng, nhiệm vụ giám sát và phản biện.

2.3. Điều 24: Khoản 8 Điều 24 : Đề nghị bỏ quy định về việc "mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật". Lý do: Việc quyền sử dụng đất hay giá trị quyền sử dụng đất đã góp vốn và được ghi nhận thành cổ phần hay phần vốn thì giống như mọi loại cổ phần khác và không còn liên quan gì đến tài sản góp vốn là đất hay quyền sử dụng đất hoặc giá trị quyền sử dụng đất. Khi đó là tài sản nhận chuyển nhượng, được giao hoặc được thuê của công ty, chứ cổ đông công ty (cổ phần vố góp) hoặc thành viên công ty (TNHH) không có quyền hoặc nghĩa vụ liên quan gì đến đất hay quyền sử dụng đất hay giá trị quyền sử dụng đất. Đồng thời, bổ sung trường hợp nhận phân chia quyền sử dụng đất của hộ gia đình cho cá nhân.

3. Chương III. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất

3.1. Tại khoản 1, Điều 28; khoản 1, Điều 29; khoản 1, Điều 30: Bổ sung trường hợp: Nhận phân chia quyền sử dụng đất của hộ gia đình cho cá nhân.

3.2. Điều 28: Khoản 1, Điều 28 của Dự thảo Luật Đất đai quy định “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này”.

Quy định này chưa phù hợp bởi vì việc thực hiện các quyền này không phải chỉ tuân theo Luất Đất đai mà còn phải tuân theo quy định của các luật khác có liên quan. Ví dụ: chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự (quyền sử dụng đất đang là tài sản thế chấp thì không được phép chuyển nhượng, theo quy định tại khoản 8, Điều 320, Bộ Luật Dân sự năm 2015) hoặc chuyển quyền sử dụng đất thông qua đấu giá phải được thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản. Do vậy, đề nghị xem xét bổ sung cho phù hợp và thống nhất giữa các luật.

3.3. Điều 30: Khoản 3, Điều 30, quy định: “3. Đối với khu vực hạn chế tiếp cận đất đai thì việc nhận quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định của Luật này và quy định của Chính phủ”; đề nghị xem xét, bổ sung giải thích cụm từ “khu vực hạn chế tiếp cận đất đai” trong Luật này hoặc Nghị định của Chính phủ.

3.4. Điều 40: Khoản 3, Điều 40 Dự thảo Luật quy định về quyền của cá nhân sử dụng đất, trừ trường hợp sử dụng đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên được bán hoặc cho thuê tài sản, thừa kế, tặng cho tài sản, cho thuê tài sản, thế chấp tài sản, góp vốn bằng tài sản. Tuy nhiên, các khoản 4, 5, 6, Điều 40, Dự thảo Luật không đề cập đến quyền của người được Nhà nước cho thuê đất rừng sản xuất. Do vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung để người sử dụng đất rừng sản xuất cũng có các quyền về tài sản hình thành do đầu tư hợp pháp trên đất rừng sản xuất mà mình được thuê.

3.5. Điều 47:

- Tại Điều 47 của dự thảo luật chưa quy định đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với đất ở trong cùng một thửa đất có phần diện tích còn lại là đất nông nghiệp. Do đó, đơn vị soạn thảo cần xem xét xây dựng theo hướng diện tích đất nông nghiệp trong cùng một thửa đất ở, nhà ở phải chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền hàng năm theo quy định.

- Tại khoản 5, Điều 47, dự thảo quy định “Người nhận thừa kế trong các trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 và khoản 4 điều này được ủy quyền bằng văn bản cho người trông nom hoặc tạm sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Như vậy, sẽ vô tình ảnh hưởng tới quyền của người nhận thừa kế trong trường hợp này, dễ dẫn tới nguy cơ phát sinh tranh chấp, không đảm bảo QSDĐ của người hưởng thừa kế. Vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo cần chỉnh sửa theo hướng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thực hiện đầy đủ quyền của người sử dụng đất có được từ thừa kế theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.

3.6. Điều 49:

- Khoản 1 Điều 49: Bổ sung trường hợp nhận phân chia quyền sử dụng đất của hộ gia đình cho cá nhân. Bổ sung thêm điểm e thành “e. Không có thông báo thu hồi đất”.

- Điểm a khoản 1, Điều 49 Dự thảo Luật, đề nghị điều chỉnh như sau: “a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa theo quy định Luật này; trường hợp chưa có giấy chứng nhận thì phải có các loại giấy tờ chứng minh là chủ sử dụng hợp pháp đối với thửa đất.Lý do sửa đổi, bổ sung: Tạo điều kiện cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, cần tiền giải quyết công việc hoặc khám, chữa bệnh (trường hợp cấp thiết) có thửa đất đủ điều kiện cấp giấy CNQSD đất nhưng đang hoàn thiện thủ tục pháp lý. Khi đó các hộ dân có quyền bán đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (mặc dù đủ điều kiện) để xử lý công việc. Như vậy, sẽ hạn chế việc cầm cố giấy tờ, tài sản khác.

- Khoản 3 Điều 49: Đề nghị xem xét, bổ sung nội dung “Nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận hợp lệ” vào khoản 3 và sửa lại như sau: “3. Việc thực hiện quyền của người nhận chuyển quyền sử dụng đất chỉ được Nhà nước bảo hộ khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận hợp lệ.” vì hiện nay, rất nhiều khu đất chưa được cấp giấy chứng nhận vì nhiều lý do khác nhau.

- Khoản 4 Điều 49: Cần giới hạn đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa này vì nếu mở rộng có thể sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo đất sản xuất cho nông dân.

- Khoản 6 Điều 49: Bổ sung thêm trường hợp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Một số ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Bình Phước - Ảnh 3
Các Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bình Phước Nguyễn Thanh Bình, Lã Thị Thu Hương chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

3.7. Điều 50:

- Tại điểm b, khoản 1 Điều 50: Đề nghị quy định cụ thể trường hợp này tài sản gắn liền với đất phải chứng nhận sở hữu trên Giấy chứng nhận hay không. Ngoài ra, nội dung quy định tại dự thảo chủ yếu quy định cho loại dự án thực hiện trên đất phi nông nghiệp, không phù hợp với dự án sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm nội dung điều chỉnh đối với Dự án sản xuất nông nghiệp, Dự án trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

- Đối với điều kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10, đề nghị quy định rõ: Đối với trường hợp người sử dụng đất đã chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của cơ quan có thẩm quyền và hoàn thành biện khắc phục đối với hành vi vi phạm đối với dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trước đó thì có được xem xét là đảm bảo điều kiện tại điểm c khoản 3 hay không.

- Điểm b, Khoản 3, Điều 50 dự thảo Luật, đề nghị điều chỉnh như sau: “b) Có ngành nghề kinh doanh phù hợp với dự án đầu tư (đối với tổ chức)”. Lý do sửa đổi, bổ sung: Cá nhân canh tác, sản xuất nông nghiệp có quyền mua tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm mà không phải đăng ký ngành nghề kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính.

3.8. Điều 51: Quy định điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp “Cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn hoặc xã, phường, thị trấn giáp ranh trong cùng một huyện cho cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ”.

Điều này làm hạn chế quyền công dân đồng thời làm hạn chế phát triển kinh tế, bởi khi người có nhu cầu sử dụng đất đó mà không có thường trú trên địa bàn (cấp xã) thì không được quyền chuyển nhượng. Do đó cần phải mở rộng đối tượng trên phạm vi cả nước.

3.9. Điều 53:

- Tại Điều 53 của dự thảo Luật sử dụng các thuật ngữ: “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở”, “chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền”. Tuy nhiên, trong các văn bản hiện hành của pháp luật về nhà ở, đô thị thì đang sử dụng các thuật ngữ: “dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị”, “chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch”. Do đó, đề nghị xem xét sử dụng các thuật ngữ này cho phù hợp.

- Tại điểm a khoản 1 Điều 53 của dự thảo Luật Đất có quy định nội dung “Đối với khu vực đô thị và khu vực quy hoạch phát triển đô thị thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô”. Tuy nhiên, theo Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 thì đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước sẽ được thành lập thêm 12 đô thị mới (đô thị loại V được nâng cấp từ các xã trên địa bàn), việc phân bổ nguồn lực để đầu tư nâng cấp các xã đủ điều kiện lên đô thị loại V là rất lớn, trong khi đó Bình Phước là tỉnh biên giới với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cho các xã theo tiêu chuẩn đô thị loại V sẽ rất hạn chế. Bên cạnh đó, một số thị trấn là trung tâm huyện lỵ thuộc các huyện giáp với biên giới Campuchia tuy đã được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V nhưng hệ thống hạ tầng đô thị cũng còn một số hạn chế do thiếu nguồn lực đầu tư. Do đó, việc kêu gọi, thu hút nhà đầu tư đến tham gia đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn các xã có định hướng nâng cấp lên đô thị, các đô thị loại V trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Nếu các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở tại khu vực đô thị và khu vực quy hoạch phát triển đô thị không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô sẽ rất khó khăn cho tỉnh trong việc kêu gọi, thu hút nhà đầu tư đến tham gia đầu tư trên địa bàn các xã có định hướng nâng cấp lên đô thị, các đô thị loại V vì các dự án có nguồn vốn đầu tư quá lớn trong khi tính khả thi của dự án không đạt hiệu quả cao. Việc không đa dạng được nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân sách sẽ ảnh hưởng đến lộ trình nâng loại đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để tạo điều kiện cho tỉnh Bình Phước cũng như các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trên cả nước trong việc kêu gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân để gia tăng nguồn lực đầu tư phát triển, nâng loại các xã trên địa bàn tỉnh lên đô thị loại V theo đúng lộ trình được duyệt, đề nghị xem xét, chỉnh sửa nội dung quy định tại điểm a khoản 1 điều 53 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thành “Đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên; đô thị loại V không thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô”.

- Tại điểm c khoản 1 Điều 53: Đề nghị đơn vị soạn thảo xem xét bổ sung cụm từ “quy hoạch” và “dự án” vào nội dung quy định tại điểm này, cụ thể như sau: “c) Đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở thì được chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có Giấy chứng nhận. Người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải thực hiện dự án đầu tư đúng theo quy hoạch, tiến độ dự án đã được phê duyệt.”

- Tại điểm a khoản 2 Điều 53 của dự thảo Luật sử dụng thuật ngữ “kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội”. Tuy nhiên, theo quy định tại mục 1.4.18 và mục 1.4.19 QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng thì quy định với các thuật ngữ “hệ thống hạ tầng kỹ thuật” “hệ thống hạ tầng xã hội”. Đồng thời, theo quy định tại khoản 22, khoản 23 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014 thì quy định với các thuật ngữ “Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật” “Hệ thống công trình hạ tầng xã hội”. Do đó, đề nghị đơn vị soạn thảo xem xét, nghiên cứu chỉnh sửa quy định thuật ngữ nêu trên trong dự thảo Luật cho phù hợp với quy chuẩn và thống nhất giữa các Luật hiện hành, đảm bảo dễ hiểu, dễ áp dụng.

Một số ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Bình Phước - Ảnh 4
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Lộc Ninh, bà Trần Thị Bích Lệ và Phó Chủ tịch UBND huyện Hồ Quang Khánh chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

3.10. Điều 55: Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung thêm 1 khoản tại điều này, quy định cụ thể việc quy hoạch sử dụng đất cần gắn với quy hoạch về đường giao thông, công trình công cộng… để phục vụ cho phát triển sản xuất và đất ở dân cư; đồng thời giao quyền cho chính quyền cấp xã quy hoạch đường đi ở trong khu dân cư, thửa đất liền kề nhằm phục vụ cho xây dựng nông thôn mới.

Vì trong quy định của Luật đất đai chưa thể hiện việc quy hoạch đất gắn với quy hoạch đường giao thông hoặc quy định cụ thể về lối đi chung để phục vụ sản xuất cho các thửa đất liền kề. Do vậy việc canh tác, sản xuất thường gắn với cơ giới, máy móc từ lúc canh tác đến khi thu hoạch và thanh lý. Tại các địa phương hiện nay xuất hiện nhiều trường hợp tranh chấp, kiến nghị việc giải quyết lối đi qua các thửa đất không được thể hiện trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy nhiều trường hợp nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp…dẫn đến xảy ra mất an ninh, trật tự. Do vậy nên có thêm những quy định về lối đi chung qua các thửa đất liền kề để tạo thuận lợi cho người dân trong sản xuất, đồng thời làm tăng thêm giá trị cho người sử dụng đất.

PV

Theo Kinh doanh và Phát triển