'Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản chồng lên Dự thảo Luật Đất đai'

Góp ý về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, VCCI cho biết, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản đang có những quy định chồng lên Luật Đất đai.

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản đang có những quy định chồng lên Dự thảo Luật Đất đai.
Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản đang có những quy định chồng lên Dự thảo Luật Đất đai.

Thiếu thống nhất cùng 1 vấn đề 

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 53 Dự thảo Luật Đất đai (phiên bản lấy ý kiến nhân dân) thì “đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở thì được chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có Giấy chứng nhận.”. Có nghĩa, dự án được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ khi đã có Giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, khoản 4 Điều 41 Dự thảo lại quy định điều kiện khi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản “Chủ đầu tư chuyển nhượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) của dự án, phần dự án chuyển nhượng đối với Nhà nước mà không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”.

Theo VCCI, quy định này được hiểu, khi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án thì chủ đầu tư chỉ cần hoàn thành các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án mà phần đất đó không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận, có nghĩa, không cần phải có Giấy chứng nhận.

“Như vậy, giữa hai Dự thảo vẫn đang chưa thống nhất về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án chuyển nhượng”, VCCI nhấn mạnh.

Ngoài ra, điểm e khoản 3 Điều 15 Dự thảo quy định trường hợp bán, cho thuê mua các phần diện tích sàn xây dựng của công trình xây dựng thì phần diện tích sàn xây dựng được bán, cho thuê mua ngoài việc đáp ứng điều kiện: “công trình xây dựng phải được xây dựng trên đất có hình thức sử dụng đất được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê”.

Do đó, VCCI đề nghị rà soát quy định này với Dự thảo Luật Đất đai để thống nhất về hình thức trả tiền thuê đất một lần hay hằng năm, bởi vì Dự thảo Luật Đất đai đang có sự điều chỉnh về các trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm và trả tiền một lần.

Xem lại chế định kinh doanh đối với công trình xây dựng không phải là nhà ở

Trên thực tế, công trình xây dựng không phải là nhà ở đang tồn tại trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng và được xây dựng trên loại đất thương mại dịch vụ. Các quy định pháp luật hiện hành đã cho phép đưa loại hình công trình xây dựng không phải là nhà ở vào kinh doanh bất động sản và từng bước quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình.

Tuy vậy, để đảm bảo thuận lợi, đồng bộ trong quá trình thực hiện, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét các vấn đề liên quan đến đầu tư, kinh doanh đối với loại hình bất động sản cân nhắc một số vấn đề.

Đầu tiên, về nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng, Khoản 1 Điều 14 Dự thảo quy định “việc mua bán nhà ở, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất”. Theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành và Dự thảo Luật đất đai, công trình xây dựng chỉ được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình. Đề nghị thống nhất với quy định của pháp luật đất đai về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đối với công trình xây dựng này.

Về đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, Điều 16 Dự thảo quy định các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, trong đó, cá nhân nước ngoài không được phép thuê, thuê mua các công trình xây dựng.

Theo quy định của hiện hành và Dự thảo Luật Nhà ở cũng như Dự thảo này, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu nhà ở (có kèm theo điều kiện). Điều này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Với quan điểm tiếp cận cởi mở của việc sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài, không rõ tại sao đối với công trình xây dựng, cá nhân nước ngoài lại không được phép “mua” mà chỉ được phép “thuê công trình xây dựng để sử dụng theo đúng công năng của công trình”? Nếu những lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia, thì cơ chế quản lý tương tự như cơ chế áp dụng đối với sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài có thể kiểm soát được vấn đề này đối với việc cá nhân nước ngoài mua công trình xây dựng”, VCCI nhấn mạnh.

Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản, VCCI đề nghị cân nhắc cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua công trình xây dựng không phải là nhà ở, trừ những khu vực có yêu cầu về an ninh, quốc phòng – tương tự như cơ chế áp dụng đối với việc cá nhân nước ngoài mua nhà ở.

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance