Dù vẫn là ‘vua’ nhưng USD đang mất dần sức hút
Tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm dần trong nhiều năm khi các ngân hàng trung ương đa dạng hóa các khoản nắm giữ của mình sang các tài sản được định giá bằng các loại tiền tệ khác. Dù vậy, USD hiện vẫn là đồng tiền thống trị dự trữ ngoại hối toàn cầu.
Theo dữ liệu hàng quý về cơ cấu tiền tệ của dự trữ ngoại tệ chính thức (COFER) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong quý III/ 2024, tỷ trọng dự trữ ngoại hối tính bằng USD đã giảm xuống 57,4% tổng dự trữ ngoại hối, ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 1994.
Dự trữ ngoại hối tính bằng USD bao gồm chứng khoán Kho bạc Mỹ, chứng khoán của các cơ quan Mỹ, MBS (Mortgage Backed Securities - một loại chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp) Mỹ, trái phiếu doanh nghiệp Mỹ, cổ phiếu Mỹ và các tài sản khác tính bằng USD do các ngân hàng trung ương khác ngoài Fed nắm giữ.
Trong quý I/2015, tỷ trọng của USD vẫn là 66%. Trong 10 năm qua, tỷ trọng của đồng USD trong các loại tiền tệ dự trữ toàn cầu đã giảm 8,6 điểm phần trăm.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu tốc độ giảm này tiếp tục, tỷ trọng của đồng USD sẽ giảm xuống dưới 50% trong vòng chưa đầy 10 năm, vào cuối năm 2034.
Tỷ trọng của đồng USD đã xuống dưới 50% vào năm 1990 và 1991, ở giai đoạn cuối của đợt lao dốc dài từ mức 85% vào năm 1977 xuống còn 46% vào năm 1991, sau khi lạm phát bùng nổ ở Mỹ vào những năm 1970, và cuối cùng thế giới mất niềm tin vào khả năng hoặc thiện chí của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc kiểm soát tình trạng lạm phát này.
Nhưng đến những năm 1990, các ngân hàng trung ương lại tích trữ tài sản bằng USD cho đến khi đồng euro xuất hiện.
Dù vậy, họ không bán tháo trái phiếu Kho bạc Mỹ. Lượng trái phiếu kho bạc Mỹ do các ngân hàng trung ương nước ngoài và những người nước ngoài nắm giữ đã tăng vọt từ mức kỷ lục này sang mức kỷ lục khác.
Trong 12 tháng qua, những người nắm giữ nước ngoài đã tăng thêm 880 tỷ USD trái phiếu nắm giữ, đưa lượng trái phiếu của họ lên mức kỷ lục 8,67 nghìn tỷ USD, theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ trước đó.
Dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương tính bằng mọi loại tiền tệ, bao gồm cả USD, đã tăng lên 12,7 nghìn tỷ USD.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng đồng tiền của nước này chỉ đóng vai trò nhỏ như một loại tiền tệ dự trữ. Và nó đã mất giá so với USD và các loại tiền tệ khác kể từ năm 2022.
Vào năm 2016, IMF đã thêm nhân dân tệ vào rổ tiền tệ hỗ trợ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Đó là một bước tiến lớn và nhiều người nghĩ rằng nhân dân tệ sẽ nhanh chóng trở thành mối đe dọa đối với sự thống trị của USD như một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu.
Nhưng các ngân hàng trung ương không thích tài sản được định giá bằng nhân dân tệ vì nhiều lý do, bao gồm kiểm soát vốn, vấn đề chuyển đổi và các vấn đề khác. Năm ngoái, nhân dân tệ đã bị đồng đô la Úc (AUD) vượt qua.
Theo một báo cáo được công bố năm 2022, IMF phát hiện ra rằng có 46 ngân hàng trung ương đã tích cực đa dạng hoá các khoản nắm giữ của mình, bao gồm các ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
IMF định nghĩa họ là các ngân hàng trung ương có ít nhất 5% dự trữ ngoại hối của mình bằng “các loại tiền tệ dự trữ phi truyền thống”.
Theo IMF, lượng vàng nắm giữ của các ngân hàng trung ương đã tăng vọt trong thập kỷ này lên 1,16 tỷ ounce troy - tương đương khoảng 3,08 nghìn tỷ USD, bằng khoảng 1/3 so với 12,3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối.
Vàng thỏi không phải là tài sản “dự trữ ngoại hối” của các ngân hàng trung ương nhưng nó là “tài sản dự trữ”, không liên quan đến ngoại tệ.
Các ngân hàng trung ương đã dành nhiều thập kỷ để bán vàng nắm giữ. Nhưng khoảng 10 năm trước, họ bắt đầu xây dựng lại kho dự trữ của mình.