Đường quốc lộ dài 84km xây hơn nửa thế kỷ vẫn chưa xong, đã 'ngốn' 2,1 tỷ USD và là nguyên nhân của hàng loạt vụ tai nạn
Bắt đầu khởi công từ năm 1970 nhưng cho đến nay, con đường Rama II vẫn chưa thể hoàn thành.
Dự án làm đường Rama II, hay còn gọi là Quốc lộ 35, là dự án cơ sở hạ tầng có quy mô lớn do Thái Lan bắt đầu triển khai từ năm 1970, nằm trên tuyến đường giao thông chính dẫn đến các khu vực phía nam của “xứ sở chùa vàng”.
Ban đầu, con đường được quy hoạch sẽ có 2 làn xe và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 1973 với ngân sách 4,5 triệu USD. Giới chức Thái Lan khi đó đã hy vọng rằng con đường này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách từ Bangkok đến các vùng miền nam khoảng 40km so với đường Phetkasem. Tuy nhiên, cho đến nay, tức là sau hơn 50 năm thi công, con đường thuộc quản lý của Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan vẫn còn dang dở và một số dự án vẫn đang được tiến hành.
Kể từ khi bắt đầu tiến hành xây dựng thì lưu lượng giao thông tăng dần buộc con đường cũng phải thay đổi, mở rộng qua các năm và từ 2 làn đường theo quy hoạch ban đầu đến nay đã lên 10 làn đường theo bản thiết kế mới nhất. Trong giai đoạn từ 1970-2017 đã có khoảng 70 dự án mở rộng và sửa chữa được thực hiện trên con đường này. Chi phí thực hiện ước tính rơi vào khoảng 480 triệu USD.
Tuyến đường bắt đầu từ Đường Suksawat ở Bangkok, đi qua Samut Sakhon và Samut SongKhram, giao với Quốc lộ 4 ở Ratchaburi, dài tổng cộng 84km. Hiện tại có 4 dự án đang được thi công trên tuyến đường này, trong đó có hai đoạn đi trên cao, dự kiến hoàn thành năm 2024-2025. Tổng chi phí dành cho đường Rama II từ năm 1970 đến nay ước tính lên đến khoảng 2,1 tỷ USD.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tuyên bố rằng giới chức nước này đang nỗ lực giải quyết tình trạng chậm tiến độ. Ông cũng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Rama II.
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Suriya Jungrungreangkit, sở dĩ dự án bị chậm tiến độ là do các nhà thầu gặp khó khăn tài chính trong thời kỳ Covid-19, cùng quy định chỉ được thi công vào ban đêm để tránh gây ùn tắc giao thông.
Mỗi ngày sẽ có khoảng 200.000-250.000 phương tiện giao thông tham gia trên Rama II và tăng khoảng 1,5 lần vào các dịp lễ. Dù chưa hoàn thành nhưng nhiều người dân vẫn chọn di chuyển con đường này bởi nếu đi các con đường khác thì sẽ mất rất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Quản lý Cao tốc (DoH) Sarawut Songsivilai, lưu lượng xe cộ lớn trên đường Rama II khiến giới chức gặp nhiều khó khăn trong quản lý giao thông trong khi thi công, gây tình trạng ùn tắc. Vị lãnh đạo này cũng lưu ý rằng tiến độ xây dựng chậm là một phần của chính sách an toàn kép, nhằm đảm bảo an toàn cho luồng phương tiện, khi các nhà thầu chỉ có thể thi công từ 21h đến 5h sáng hôm sau.
Cựu phó thống đốc Bangkok Samart Ratchapolsitte thừa nhận rằng tình trạng này ảnh hưởng lớn đến cộng đồng và người tham gia giao thông, khi tình trạng tắc nghẽn kéo dài, cùng với đó là nhiều vụ tai nạn chết người. Ông cho hay tiến độ xây dượng chậm trễ do các nhà thầu triển khai thi công đường dưới đất và trên cao gần như đồng thời.
Trong khi đó, Phó giáo sư Sutthisak Sornlum, chuyên gia kỹ thuật của Đại học Kasetsart lại nhận định công tác thi công Rama II rất khó khăn là bởi các nền đất tại đây rất yếu, dẫn đến đường có nguy cơ bị sụt lún sau khi hoàn thiện.
Nhiều người dân Thái Lan cũng lên tiếng phàn nàn về những bất tiện mà họ phải chịu đựng trong quá trình thi công đường Rama II hàng chục năm qua. Jay, 29 tuổi, sinh sống gần đường Rama II, chia sẻ rằng tình trạng tắc đường xảy ra gần như mọi lúc, gây áp lực lớn lên hạ tầng lân cận. Ban đêm, giới chức đóng cửa đường để thi công, khiến tình trạng tắc đường còn nghiêm trọng hơn. Có những ngày quãng đường chỉ 6km nhưng Jay phải mất đến hai tiếng để đi.
''Tôi lớn lên cùng dự án này. Trong khi người Thái Lan làm đường Rama II trong 54 năm chưa xong, người Ai Cập cổ đại đã có thể xây hai kim tự tháp", Jay bức xúc.
Janwit Kiamsawad, 50 tuổi, làm tài xế hơn 15 năm, cho biết tắc đường triền miên ảnh hưởng đến các cuốc xe của ông. ''Quá trình thi công Rama II kéo dài như thể không bao giờ kết thúc", ông nói.
Nhiều người dân cũng phàn nàn về công tác vệ sinh xây dựng. Thủ đô Bangkok đã ghi nhận hàng loạt vụ tai nạn chết người do nước thải, phế liệu kim loại rơi xuống từ đường trên cao Rama II.
"Ngoài ùn tắc, bụi bặm, ô nhiễm tiếng ồn, chúng tôi gần đây còn phát hiện bùn đất rơi vãi trên đường. Chúng tôi mong Rama II được hoàn thành càng sớm càng tốt, để cuộc sống trở nên bình thường", một tài xế taxi ở Bangkok cho hay.