Đường sắt cao tốc Bắc Nam 1,7 triệu tỷ đồng: Ba tỉnh dự kiến đặt 2 nhà ga hành khách
Để đảm bảo tàu chạy với tốc độ khai thác tối đa, ba tỉnh miền Trung dự kiến sẽ được xây dựng 2 nhà ga hành khách.
Chính phủ vừa có dự thảo tờ trình gửi Quốc hội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Theo đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ có chiều dài khoảng 1.545km, từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đường đôi, khổ 1.435mm, tốc độ tối đa 350km/h. Dự án có tổng mức đầu tư dự án khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,3 tỷ USD).
Dự án đang được lấy ý kiến có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi thuộc huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội, trong đó có xem xét phương án tổ chức khai thác chạy tàu để đường sắt tốc độ cao có thể chạy tàu tới ga Hà Nội. Điểm cuối đối với tàu khách là ga Thủ Thiêm thuộc phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM; đối với tàu hàng điểm cuối là ga Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. HCM.
Tuyến đường tập trung vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Trên toàn tuyến được bố trí 23 ga hành khách với khoảng cách 67km/ga, đặt tại gần khu vực trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương.
Riêng các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận sẽ bố trí 2 ga để đảm bảo chạy tàu với tốc độ khai thác tối đa (320km/h) chiếm 70-80% chiều dài giữa hai ga dừng (cự ly tăng tốc khoảng 7,2km; cự ly giảm tốc khoảng 9,5km).
Ngoài ra, để bảo đảm phục vụ quốc phòng, an ninh, vận chuyển hàng hóa khi có nhu cầu, trên tuyến bố trí 5 ga hàng tại các đầu mối hàng hóa lớn.
Đặc biệt, trên tuyến dự kiến sẽ xây dựng 5 depot phục vụ khu tập kết, sửa chữa, bảo dưỡng tàu khách (tại Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP. HCM) và 4 depot phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu hàng (tại Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa và Đồng Nai).
Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 sắp tới, dự án đặt mục tiêu triển khai giải phóng mặt bằng toàn tuyến và khởi công các dự án thành phần cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành năm 2035.