'Siêu' dự án đường sắt cao tốc 6 tỷ USD với 75 đường hầm và 167 cây cầu của nước 'sát vách' Việt Nam, chạy xuyên biên giới nối dài sang Trung Quốc

Dự án này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp láng giềng Việt Nam thực hiện tham vọng phát triển thành một thị trường xuất khẩu mạnh mẽ.

Tuyến đường sắt cao tốc nối Thủ đô Vientiane của Lào với biên giới Trung Quốc là một công trình kỹ thuật hiện đại. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ USD và được triển khai theo cơ chế hợp tác công tư (PPP), kết hợp với các mô hình xây dựng, vận hành và chuyển giao (BOT) cùng cơ chế hợp tác giữa chính phủ với chính phủ (G2G).

Phụ nữ Lào chụp ảnh cạnh đoàn tàu trên tuyến đường sắt tốc độ cao tại ga Vientiane. Ảnh: Reuters
Phụ nữ Lào chụp ảnh cạnh đoàn tàu trên tuyến đường sắt tốc độ cao tại ga Vientiane. Ảnh: Reuters

Theo mô hình đầu tư này, Chính phủ Lào và Trung Quốc đã thành lập Công ty Đường sắt Lào-Trung. Báo South China Morning Post cho biết thêm, theo thỏa thuận giữa hai bên, Trung Quốc nắm giữ 70% liên doanh, trong khi Lào giữ 30% còn lại.

Tuyến đường sắt với chiều dài hơn 1.000km nối thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với thủ đô Vientiane của Lào, trong đó đoạn chạy trên đất Lào có chiều dài 414km. Dự án chủ yếu được thi công bởi Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc (CNRG), bao gồm 75 đường hầm, 167 cây cầu, 10 ga và được khánh thành vào ngày 3/12/2021 sau 5 năm xây dựng. Có tốc độ lên tới 160km/h, tuy nhiên, tàu vẫn chạy êm, cách âm tốt dù đi qua nhiều đoạn hầm đào xuyên núi rừng trùng điệp.

Tàu chạy êm, cách âm tốt, dù đi qua nhiều đoạn hầm đào xuyên núi rừng trùng điệp. Ảnh: China Daily
Tàu chạy êm, cách âm tốt, dù đi qua nhiều đoạn hầm đào xuyên núi rừng trùng điệp. Ảnh: China Daily

Để tối ưu hóa hoạt động, hoạt động vận tải hành khách sẽ diễn ra vào ban ngày, trong khi việc vận chuyển hàng hóa được thực hiện vào ban đêm. Với tuyến đường sắt mới, thời gian di chuyển giữa Vientiane và biên giới Trung Quốc sẽ giảm từ 48 giờ xuống còn gần 3 giờ. Bên cạnh đó, chi phí vận tải cũng được tiết kiệm đáng kể, giảm khoảng 30-40% so với đường bộ.

Đoàn tàu gồm 9 toa, một đầu máy, một toa nhà hàng, một toa hạng thương gia, một toa hạng nhất, 5 toa phổ thông với tổng cộng 720 chỗ ngồi. Toa thương gia và hạng nhất nằm ở khu vực phía đầu tàu. Cửa toa luôn đóng trong quá trình di chuyển và sử dụng khóa điện tử tách biệt các toa khác. Toàn bộ đoàn tàu được sơn theo ba màu sắc đỏ, xanh và trắng tượng trưng cho quốc kỳ của quốc gia láng giềng Việt Nam.

Tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung trị giá tới 6 tỷ USD. Ảnh: Xinhua
Tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung trị giá tới 6 tỷ USD. Ảnh: Xinhua

Các toa hành khách được trang bị ghế ngồi êm ái bọc nỉ, in họa tiết hoa Dok Champa đặc trưng của Lào, tạo không gian ấm cúng và gần gũi. Bên cạnh đó, hành khách còn được tận hưởng nhiều tiện nghi hiện đại khác như màn hình điện tử hiển thị thông tin về vị trí, tốc độ và thời tiết, ổ cắm điện 220V, cổng sạc USB và wifi.

Theo Công ty Đường sắt Lào - Trung, kể từ khi chính thức khai thác vào cuối năm 2021, tuyến đường sắt cao tốc đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy giao thương và du lịch, không chỉ giữa Lào và Trung Quốc mà còn mở rộng sang các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Tàu cao tốc thu hút rất nhiều người dân và du khách quốc tế sử dụng. Ảnh: Báo VietNamNet
Tàu cao tốc thu hút rất nhiều người dân và du khách quốc tế sử dụng. Ảnh: Báo VietNamNet

Đặc biệt, từ đầu tháng 12/2021 đến tháng 9/2023, tuyến đường sắt cao tốc này đã đạt được những thành tựu đáng kể khi đã vận chuyển hơn 20 triệu lượt hành khách và 25 triệu tấn hàng hóa. Điều này cho thấy vai trò không thể thiếu của dự án này trong việc hỗ trợ Lào hiện thực hóa mục tiêu trở thành một quốc gia có nền kinh tế xuất khẩu mạnh.

Đại Dương

Theo Chất lượng và cuộc sống