Đường sắt Cát Linh-Hà Đông vẫn phải chờ đến 3/2021

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nêu một số lý do khiến đường sắt Cát Linh- Hà Đông chưa thể hoạt động.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết từ ngày 12/12/2020, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được chạy liên động và đánh giá an toàn hệ thống trong vòng 20 ngày, đến 31/12/2020.

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông vẫn phải chờ đến 3/2021 - Ảnh 1
Vận hành thử dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Báo Nhân dân

Bộ GTVT đã nhận được dự thảo báo cáo của bộ phận tư vấn đánh giá, trong đó đưa ra nhiều khuyến cáo: về an toàn hệ thống của những thiết bị nhà thầu cung cấp, diễn tập cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố..

Bộ phận tư vấn đánh giá đã yêu cầu làm rõ thêm các chi tiết kỹ thuật và đưa ra giải pháp để đảm bảo các vấn đề an toàn. Khi bộ phận tư vấn đưa ra giải pháp như vậy thì cần thời gian để  thực hiện.

Về vấn đề diễn tập cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố chưa được hoàn thiện, cần có đào tạo với đội ngũ nhân lực của tuyến Metro Hà Nội. Hiện Hà Nội đang thực hiện các yêu cầu liên quan đến vấn đề này.

"Chúng tôi đã nghiệm thu cơ sở của 11 hợp phần, tất nhiên vẫn là nghiệm thu có điều kiện, tức là yêu cầu phải có khắc phục, có hoàn chỉnh một số mục. Nhưng điều kiện đó thì theo quy định pháp luật có cho phép" - ông Đông cho hay.

 Ngoài ra, Bộ GTVT vẫn đang phối hợp với Metro Hà Nội để kiểm đếm tài sản, để bàn giao thuận lợi và rút ngắn thời gian.

“Cần huấn luyện thêm cán bộ khai thác hoạt động. Bộ GTVT cũng làm tiếp các thủ tục về giấy tờ để nghiệm thu cuối cùng, đảm bảo thời gian. Không thể bàn giao dự án trong một ngày, một tuần. Chúng tôi dự kiến bàn giao vào cuối tháng 3/2021”, ông Đông nói.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng phối hợp Hà Nội về việc tiếp tục huấn luyện thêm cán bộ nhân viên hoạt động tại tuyến này theo khuyến cáo chung của tư vấn đánh giá, cũng như yêu cầu trách nhiệm tổng thầu EPC Trung Quốc phải thực hiện cùng với các đơn vị sẽ tiếp quản tuyến đường.

Bộ GTVT nhấn mạnh, các thủ tục giấy tờ cần thiết về giai đoạn nghiệm thu cuối cùng cũng đang được nhanh chóng hoàn thiện song vẫn cần thời gian.

"Chúng tôi đã xác định lên kế hoạch với Hà Nội, không thể bàn giao trong một ngày, một tuần mà quá trình đó có thể kéo dài đến cuối tháng 3/2021" - ông Đông nhận định.

Trước đó, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, sau 20 ngày vận hành thử các đơn vị thực hiện đã hoàn thành đúng đủ toàn bộ nội dung theo đề cương.

Tỷ lệ đúng giờ và chuyến/lượt đã đạt 99,6% đến 99,8%, bảo đảm hơn 70 nghìn km vận hành an toàn.

Về nhân lực đã vào đúng các vị trí của dự án, theo đánh giá chung thì đã thực hiện vận hành tốt trong các điều kiện bình thường và có thể xử lý, khắc phục được các lỗi đơn giản. Tuy nhiên, các vấn đề kỹ thuật lớn vẫn cần có sự hỗ trợ của chuyên gia hướng dẫn. Do đó, sau khi Hà Nội tiếp nhận, các chuyên gia tiếp tục hỗ trợ cùng vận hành trong một năm.

Theo văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và quyết định điều chỉnh tiến độ của Bộ GTVT ban hành tháng 12/2020, DA được điều chỉnh tiến độ thực hiện đến 31/3/2021. 

Cúc Phương

Theo Báo Đất Việt