Lương lao động vận hành Cát Linh-Hà Đông: Cân đối thế nào?
Mức lương dành cho lao động vận hành tuyến Cát Linh-Hà Đông không phải là cao, song với 681 con người, Hà Nội sẽ cân đối thế nào?
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội - đơn vị sắp tiếp nhận và vận hành đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vừa thông tin về mức lương của lao động vận hành tuyến đường sắt này.
Theo đó, tổng số lao động vận hành đường sắt Cát Linh-Hà Đông là 681 người, với 112 chức danh và vị trí việc làm. Mỗi vị trí công việc ứng với mức lương cụ thể đã được Thành phố Hà Nội chấp thuận.
Không nêu mức lương cụ thể từng chức danh, vị trí công việc, song đại diện Công ty Đường sắt Hà Nội cũng cho biết, mức lương của lái tàu được xây dựng theo 3 mức là 13 triệu đồng/tháng, 15 triệu đồng/tháng và cao nhất là 17 triệu đồng một tháng.
Trước đó, trong thông báo tuyển dụng nhân sự cho các vị trí như nhân viên bộ phận/trung tâm điều độ; bộ phận an toàn, đầu máy toa xe, nhân viên quản lý nhà ga; bộ phận kiểm tra sửa chữa thông tin tín hiệu, kiểm tra sửa chữa công trình... Công ty Đường sắt Hà Nội có nêu rõ mức thu nhập từ 6,5-13 triệu đồng/tháng, tùy theo vị trí việc làm.
Bình luận trước thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng cho biết, mức lương dành cho lao động vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông không phải là cao, nếu so với lao động của các ngành khác thì chỉ ở mức trung bình.
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sắp đi vào vận hành |
Ngay như lương lái tàu điện, dù mức lương như thông báo của Công ty Đường sắt Hà Nội là từ 13-15-17 triệu đồng/tháng, ông Thám cũng cho đó là con số hết sức bình thường vì đó là người trực tiếp vận hành đoàn tàu, đòi hỏi sự chính xác và an toàn tuyệt đối.
Tương tự, mức lương các vị trí việc làm khác cũng tương đương như nhân viên đường sắt truyền thống.
"Đường sắt đô thị vận hành trên cao, công việc của các lao động vận hành tuyến đường sắt này có đặc thù thì có thể cộng thêm vào lương của họ một vài phần trăm, còn lại cũng chỉ như công nhân đường sắt thong thường. Thậm chí, lao động của đường sắt Cát Linh-Hà Đông còn không phải di chuyển nhiều như đường sắt thông thường", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói.
Dù vậy, ông cũng bày tỏ băn khoăn với số lượng lao động đông như vậy và mức lương trả nêu trên, Hà Nội sẽ cân đối thế nào?
Ông tính toán, với 681 nhân sự cho 13 km đường sắt, trung bình mỗi km đường sắt Cát Linh-Hà Đông cần khoảng 52 người. Giả sử mức thu nhập trung bình của mỗi lao động là 6,5 triệu đồng/tháng, thì mỗi tháng số tiền phải trả lao động vận hành tuyến đường sắt này rơi vào khoảng 4,4 tỷ đồng. Vậy tiền vé thu được liệu có đủ để chi trả lương hàng tháng cho người lao động hay không?
"Người lập dự án phải tính bài toán ngược lại: thu bao nhiêu và chi bao nhiêu? Lãi hay lỗ? Nếu lỗ thì ngân sách thành phố phải bù lỗ bao nhiêu? Đó là những câu hỏi cần trả lời", ông Thám cho rằng chuyện bù lỗ có thể phải xác định ngay từ đầu, vì ngay như xe buýt của Hà Nội nhiều năm qua ở trong tình trạng thu không đủ bù chi và thành phố phải tiến hành trợ giá.
"Các loại hình giao thông công cộng thuộc về an sinh xã hội, thường không có lãi, các địa phương vẫn phải bù lỗ hàng năm. Đối với đường sắt Cát Linh-Hà Đông, giai đoạn đầu là giai đoạn khó khăn nhất, chỉ khi đã đi vào nề nếp, kinh tế phát triển thì lúc đó mới có thể tăng thu để bù đắp phần nào chi phí. Số tiền vé thu được may ra chỉ đủ để vận hành đoàn tàu, còn chi phí bảo trì bảo dưỡng và các chi phí khác có lẽ thành phố phải dùng ngân sách", vị chuyên gia cho biết và đề nghị cần xem xét giảm lượng nhân sự vận hành tuyến Cát Linh-Hà Đông, còn nếu cứ để bộ máy cồng kềnh thì khó đủ bề.
Ông Thám phân tích, ở thời điểm quyết định đầu tư dự án, lựa chọn công nghệ thì trong thiết kế đã phải dự tính sẵn số lượng nhân công với tất cả các thành phần từ quản lý đến kỹ thuật, nhân viên.... Số lượng nhân sự được tính toán phù hợp với dây chuyền công nghệ thiết kế.
"Con số 681 người là tương đối nhiều vì bây giờ đã là thời đại 4.0, nhiều khâu có thể tự động hóa. Đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội cũng vậy khi cần tới 624 nhân viên cho 12,5km", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nhấn mạnh.
Đề nghị tính toán lại nhân sự chạy tàu, cải tiến lại khâu nào có thể cải tiến để giảm bớt nhân sự, vị chuyên gia cũng gợi ý Bộ GTVT, Hà Nội cần học tập các nước đi trước về đường sắt đô thị như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản...
"Bộ GTVT hay Hà Nội có thể cử một đoàn sang học hỏi kinh nghiệm vận hành của các nước, thậm chí đơn giản hơn là có thể tìm hiểu trên mạng.
Thành Luân