Đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo rút xuống 4 toa, 'đội' vốn 16.000 tỷ sau hơn 14 năm 'ì ạch'
UBND TP. Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đường sắt đô thị số 2, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là 35.588 tỷ đồng, tăng 16.033 tỷ đồng.
UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Theo tờ trình, tổng chiều dài tuyến của dự án vẫn được giữ nguyên so với phê duyệt trước đó, nhưng có sự thay đổi về chiều dài đoạn đi trên cao (tăng từ 8,5km lên 8,9km) và đoạn đi ngầm (giảm từ 3km xuống 2,6km) và số lượng đoàn tàu giảm từ 14 đoàn tàu xuống còn 10 đoàn tàu.
UBND TP. Hà Nội cho biết, chiều dài phần đi ngầm và đi cao thay đổi so với Báo cáo Nghiên cứu khả thi được duyệt năm 2008 do thay đổi phương án trắc dọc đoạn chuyển tiếp từ phần cầu cạn sang phần hầm ngầm, đồng thời thay đổi phạm vi giữa 2 phần trên cao và ngầm. Còn việc giảm đoàn tàu là để tránh lãng phí.
UBND TP. Hà Nội đề xuất tổng mức đầu tư mới của dự án là 35.588 tỷ đồng, tăng thêm 16.033 tỷ đồng so với phê duyệt năm 2008. Trong đó, vốn vay ODA sau điều chỉnh hơn 29.670 tỷ đồng, vốn đối ứng của Hà Nội hơn 5.910 tỷ đồng. Hạng mục tăng vốn nhiều nhất là chi phí xây dựng (tăng hơn 6.670 tỷ đồng) và chi phí thiết bị (tăng hơn 2.750 tỷ đồng).
Nguyên nhân của sự tăng vốn này theo UBND TP. Hà Nội giải thích, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được lập trong giai đoạn năm 2007-2008. Khi đó, Việt Nam chưa có đầy đủ các định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình đường sắt đô thị, nên việc xác định tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn chỉ dựa trên cơ sở suất đầu tư của các công trình tương tự đã và đang được xây dựng ở khu vực châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ thực hiện từ những năm 2000 đối với từng loại kết cấu công trình (nhà ga ngầm, nhà ga trên cao, kết cấu hầm đào hở, cầu cạn…).
Mặt khác, dù đã cập nhật suất đầu tư các dự án và xem xét sự tương thích với điều kiện thi công và mặt bằng giá cả tại TP. Hà Nội thời điểm năm 2008, nhưng do còn thiếu kinh nghiệm thực tế, nên việc tính toán chỉ mang tính chất bình quân đối với một dự án, mà chưa xem xét đầy đủ các yêu cầu an toàn cao, chưa tính toán đủ việc tổ chức vận hành, khai thác, bảo dưỡng…
Cũng tại tờ trình lần này, UBND TP. Hà Nội đề xuất kéo dài thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 sang năm 2031 (hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành năm 2029 và 2 năm đào tạo vận hành bảo dưỡng). Như vậy, so với mốc tiến độ ban đầu (2009-2015), dự án đã xin lùi thời gian hoàn thành thêm 14 năm.
Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được UBND TP. Hà Nội phê duyệt vào tháng 11/2008, với tổng mức đầu tư dự án là 19.555 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA là gần 16.500 tỷ đồng; vốn đối ứng do ngân sách TP. Hà Nội bố trí là hơn 3.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2009-2015.
Thực tế trong gần 16 năm, dự án này không nhiều hoạt động thi công. Tính đến quý IV/2023, Ban quản lý dự án mới chỉ tiến hành giải phóng mặt bằng tại depot, ga trên cao và phần ga ngầm, số tiền giải ngân mới đạt khoảng 900 tỷ đồng.