Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang – TP. HCM
Theo kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng, sẽ từng bước đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó ưu tiên đoạn tuyến Hà Nội - Vinh và Nha Trang – TP. HCM...
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch là đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế của vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng có lợi thế, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp chế biến và một số ngành công nghiệp mới; tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước.
Phát triển logistic theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; hình thành các trung tâm logistic gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu.
Đồng thời, phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, nhất là các ngành về dịch vụ, công nghiệp, du lịch biển, kinh tế hàng hải; phát triển các đô thị ven biển gắn kết hài hòa với khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác.
Kế hoạch cũng đặt ra nhiệm vụ hoàn thành xây dựng, mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông trên địa bàn vùng theo quy chuẩn; phát triển các tuyến đường bộ cao tốc kết nối Đông - Tây, kết nối các cảng biển đặc biệt, cảng hàng không quốc tế với các địa phương vùng Tây Nguyên và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, vương quốc Campuchia.
Phát triển đường sắt trong vùng theo hướng ưu tiên các tuyến đường sắt kết nối các đô thị lớn với các ga đường sắt quốc gia, đặc biệt các ga đường sắt tốc độ cao trong vùng. Một số tuyến đường sắt kết nối giữa cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng cạn, trung tâm logistic, cửa khẩu quốc tế với mạng lưới đường sắt quốc gia để sớm hình thành mạng đường sắt vận tải hành khách và hàng hóa.
Từng bước đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ưu tiên đoạn qua địa bàn vùng thuộc đoạn tuyến Hà Nội - Vinh và Nha Trang – TP. HCM...
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng yêu cầu tập trung phát triển vùng động lực miền Trung, phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây.
Trong đó, phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị) trở thành khu vực tăng trưởng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ, đô thị biển của vùng và cả nước.
Tập trung phát triển các khu vực ven biển thuộc Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi trở thành vùng động lực miền Trung của cả nước. Trong đó, Đà Nẵng là cực tăng trưởng quốc gia; Quảng Nam là trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ; Thừa Thiên Huế là trung tâm công nghiệp văn hóa, khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, dịch vụ cảng biển, thương mại, tài chính tầm quốc tế cao; Quảng Ngãi là trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng, trung tâm du lịch biển đảo; Bình Định là trung tâm công nghiệp công nghệ thông tin, dịch vụ và du lịch, trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển.
Phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận) trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng, dịch vụ du lịch, đô thị ven biển của cả nước. Xây dựng Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại tỉnh Ninh Thuận.
Phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam phía Đông (đoạn từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) trên cơ sở đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao trong tương lai…