Đường Trường Chinh tắc: Cao ốc nhồi hai bên
Mật độ chung cư dày đặc, dân cư tập trung đông đúc đương nhiên sẽ gây áp lực lên giao thông.
Mật độ chung cư dày đặc, dân cư tập trung đông đúc đương nhiên sẽ gây áp lực lên giao thông.
Câu chuyện ùn tắc nghiêm trọng tại nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh - Láng sau khi đường Vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng) được thông xe đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, ĐH Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng vừa mở đường mới đã tắc ở nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh - Láng đã được các chuyên gia chỉ rõ, trong đó chủ yếu là công tác điều tiết, tổ chức giao thông chưa hiệu quả.
"Khi các ngả đường hướng về Ngã Tư Sở càng thông thoáng thì đương nhiên nút giao sẽ tắc nhiều hơn, nhanh hơn. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở mỗi nút giao thông Ngã Tư Sở mà ở tất cả những nơi khác. Cho nên, trước mắt, phải sử dụng triệt để các biện pháp về tổ chức giao thông", PGS.TS Nguyễn Quang Toản nói.
Nhìn sâu xa hơn, vị chuyên gia lưu ý về tình trạng cao ốc chen nhau nhồi vào khu vực dọc hai bên tuyến đường Trường Chinh dài hơn 2km. Theo đó, hàng loạt chung cư, cao tốc đua nhau được xây dựng ở khu vực này.
Điển hình là tại ngõ 102 Trường Chinh có hai dự án chung cư cao chót vót, gồm tòa Meco Complex và Capital Garden. Ngoài ra, phải kể đến hàng loạt dự án nhà cao tầng khác như tòa Vinacco (68 Trường Chinh); tổ hợp khu chung cư, văn phòng cho thuê The Artemis Tower một mặt đường Trường Chinh, một mặt ở số 3 Lê Trọng Tấn hay khu chung cư Tân Hồng Hà Complex 317 Trường Chinh... Mật độ chung cư dày đặc, dân cư tập trung đông đúc đương nhiên gây áp lực lên giao thông, đẩy tuyến đường này vào tình trạng càng mở rộng càng tắc.
Một điểm khác, khi kinh tế phát triển hơn, người dân giàu lên kéo theo xe cũng nhiều lên, và càng đi nhiều thì càng tắc đường.
Đường Trường Chinh trở nên ùn tắc nghiêm trọng hơn sau khi thông xe đường vành đai 2 trên cao hôm 11/11. Ảnh: Tuổi trẻ |
PGS.TS Nguyễn Quang Toản nhìn nhận, dù đã có yêu cầu hạn chế dự án nhà cao tầng trong nội đô nhưng thực tế lại cho thấy việc thực hiện thiếu nghiêm túc khi nhà cao tầng vẫn được tăng tốc xây dựng, gây áp lực cho hạ tầng.
"Muốn giải tỏa áp lực cho giao thông phải đi từ gốc, còn nếu chỉ điều tiết giao thông, tổ chức giao thông thì đó chỉ là phần ngọn. Cho nên, khi phát triển quá mức thì cần có quy hoạch, phải tính toán mọi thứ, còn cái mà chúng ta giải quyết được ngay chỉ là chạy theo sự phát triển của giao thông.
Không nước nào tránh được tình trạng tắc đường hay chuyện cao ốc xây dựng san sát. Đất chật người dông, nơi nào tạo công ăn việc làm, có nhu cầu ở thì nơi ấy có nhiều nhà cao tầng. Cũng chính vì xây nhà cao tầng mà còn đất bố trí cho các công việc khác, trong đó có giao thông.
Cái gì cũng có hai mặt, nhưng tất cả các nước trong quá trình tiến lên luôn theo một quy luật: đầu tiên là giao thông kích thích sự phát triển kinh tế, khi kinh tế phát triển, dân cư tập trung đông, đời sống nâng cao lên thì lại có nhu cầu phát triển giao thông, những yếu tố này cứ chạy theo nhau", vị nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ nói.
Theo vị chuyên gia, quy hoạch thường bị đổ lỗi. Nếu trước đây bảo không có quy hoạch, thì khi có quy hoạch, tình trạng vỡ quy hoạch lại diễn ra.
"Thử tưởng tượng nếu cách đây mấy chục năm bảo phải làm một con đường thật rộng để cứ 50 người lại có một ô tô để đi thì rất khó nghe và khó được chấp nhận vì không ai nghĩ đến chuyện đó. Vấn đề là tầm nhìn, chúng ta chưa hình dung được trạng thái giao thông ở Thủ đô sau này sẽ như thế nào", ông nói.
Trở lại tình trạng ùn tắc ở nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh - Láng, theo PGS.TS Nguyễn Quang Toản, đáng lẽ trước khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao, các chuyên gia giao thông Hà Nội phải nghĩ đến chuyện khi đưa công trình vào khai thác, các dòng giao thông sẽ thay đổi như thế nào, và phải giải quyết điều đó trước khi thông xe.
"Không thể phủ nhận đường Vành đai 2 trên cao thông xe giúp giải quyết một phần tình trạng ùn tắc cho ngã tư Tôn Thất Tùng.
Bây giờ, khi xảy ra tình trạng ùn tắc ở nút giao Ngã Tư Sở, phải giải quyết từng bước một và có làm từng bước một thì mọi người mới có quyết tâm để làm. Tôi tin rằng khoảng 1-2 tháng nữa, tình trạng trên sẽ giảm bớt do giao thông được bố trí lại và bản thân người dân thấy không cần thiết phải đi qua tuyến đó nữa", ông Toản nhận xét.