EuroCham: Việt Nam là điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài hấp dẫn
Sách trắng 2022 "Các vấn đề thương mại đầu tư và khuyến nghị” của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố nhấn mạnh Việt Nam là điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hấp dẫn.
Tại lễ ra mắt Sách trắng 2022 "Các vấn đề thương mại đầu tư và khuyến nghị” của EuroCham với chủ đề: Nỗ lực hướng tới Kinh tế xanh và phát triển bền vững, thực thi toàn diện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA), sáng 16/2, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho biết: Dựa trên những điểm chính trong sách trắng, các cơ quan, doanh nghiệp có thể đặt ra các tham vọng phát triển bền vững tại Việt Nam.
Theo đó, Sách trắng đã tập trung vào nhiều vấn đề trọng tâm của kinh tế thương mại của Việt Nam như chăm sóc sức khỏe, kinh tế xanh và phát triển bền vững, thúc đẩy đổi mới và đầu tư.
Lễ ra mắt “Sách trắng 2022 Các vấn đề thương mại đầu tư và khuyến nghị” của EuroCham.
Theo Sách trắng, Việt Nam là một trong ba quốc gia trong khu vực đạt mức tăng trưởng kinh tế tích cực vào năm 2021, ghi nhận mức tăng trưởng GDP 2,58% bất chấp tác động của COVID-19.
Đây là minh chứng cho sự quản lý nhanh nhạy và hiệu quả của Chính phủ đối với đại dịch vốn tiếp tục tác động xấu đến thương mại và đầu tư quốc tế.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cùng với địa lý thuận lợi và dân số đông, trẻ và có trình độ, đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội (SEDS) 2011-2020 của Chính phủ Việt Nam đã tạo ra một số cải thiện tích cực trong thập kỷ qua, bao gồm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tuy nhiên, bất chấp tiến bộ này, vẫn còn đó những thách thức như năng suất, khả năng cạnh tranh và hiệu quả thấp. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tiếp theo, bao gồm giai đoạn 2021-2030, chắc chắn sẽ hướng đến giải quyết những vấn đề này.
Khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài hấp dẫn, Sách trắng cho rằng, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định của Việt Nam, cùng với lạm phát vẫn ở mức một con số, tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường thương mại và đầu tư của đất nước.
Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam đã liên tục cải cách quy định pháp luật trong nước để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó trở thành một thị trường hấp dẫn hơn trong mắt doanh nghiệp nước ngoài và các nhà đầu tư quốc tế.
Sách trắng 2022 Các vấn đề thương mại đầu tư và khuyến nghị củaEuroCham.
Cụ thể, chi phí kinh doanh thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu tăng vọt và môi trường thuận lợi cho kinh doanh đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho FDI.
Việt Nam có một số lợi thế bao gồm chi phí sản xuất cạnh tranh, vị trí tốt ở Đông Nam Á, hiệu quả kinh tế mạnh mẽ và tiêu thụ nội địa tăng nhanh. Việt Nam đứng thứ 70 trong số 190 quốc gia trên toàn thế giới trong bảng xếp hạng Mức độ dễ dàng kinh doanh của Ngân hàng Thế giới 2020, giảm một bậc so với năm 2019 nhưng vẫn là một sự cải thiện đáng kể so với vị trí 82 vào năm 2016.
Ngân hàng Thế giới nhận thấy Việt Nam đã đạt được những kết quả tốt trong nhiều lĩnh vực như “cấp tín dụng” và “nộp thuế”, tuy nhiên lại chưa tốt trong “giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán”. Mặc dù có sự giảm nhẹ về xếp hạng, kết quả của Việt Nam thực sự đã cải thiện trong năm 2020 với tổng điểm là 69,8.
Cùng với đó, Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng FDI đáng kể từ khi Chính phủ thực hiện chính sách mở cửa thông qua Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), chỉ trong hơn ba thập kỷ, FDI đã đạt mức 31,15 tỷ USD vào năm 2021,16 tăng 9,2% so với mức cao kỷ lục của năm 2020.
Vốn giải ngân cũng đạt 19,74 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 10 tháng đầu năm 2022, con số đó là 17,45 USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021.
“Hơn 1,570 dự án đã được chấp thuận vào năm 2022, với gần một nửa số vốn FDI chảy vào lĩnh vực chế biến. Giữ vị trí thứ hai là bất động sản, tiếp đến sản xuất và phân phối điện. Chính phủ đã và đang tiếp tục cải cách môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam để đưa đất nước trở thành một điểm đến đầu tư và kinh doanh hấp dẫn hơn nữa”, Sách trắng cho biết.
Thông qua Sách trắng, EuroCham khẳng định trong hai năm 2021 và 2022, EuroCham tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính (ACAPR) của Thủ tướng Chính phủ và hoan nghênh các sáng kiến của Chính phủ như phát hành Báo cáo Thường niên về Chỉ số Chi phí Tuân thủ Thủ tục Hành chính (APCI 2021).
Theo APCI 2021, 8 trên 9 hoạt động hành chính đạt điểm cao hơn vào năm 2021 so với năm 2020, thể hiện sự cải thiện trong thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước. Nhìn chung, mức tăng mạnh nhất là trong các thủ tục về thuế và kiểm tra chuyên ngành18.
Những nỗ lực của chính phủ đã mở đường cho Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Theo Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của EuroCham vào quý 4 năm 2022, 63% lãnh đạo doanh nghiệp trong EuroCham được hỏi tin rằng họ có đủ hiểu biết về EVFTA. Gần một nửa số người được hỏi cho rằng EVFTA có liên quan hoặc rất liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ.
Tuy nhiên, 45% cho biết thủ tục hành chính là rào cản lớn đối với họ khi muốn sử dụng thỏa thuận cho hoạt động kinh doanh của mình (so với 38% vào quý 3 năm 2022). Một phần tư các công ty nước ngoài đã báo cáo rằng đã chuyển hoạt động của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong đó có 2% đã chuyển một phần đáng kể hoạt động của họ vào trong nước.
42% công ty nước ngoài sẵn sàng chuyển ít nhất một lượng vốn FDI nhỏ vào Việt Nam vào cuối năm 2022. Các công ty nước ngoài xác định việc cắt giảm bộ máy hành chính và phát triển cơ sở hạ tầng nhiều hơn là đòn bẩy chính để Việt Nam thu hút thêm vốn FDI.
“EuroCham rất hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 99/NQ-CP về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025, trong đó giao Bộ Tư pháp xây dựng Đề án ban hành" Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2023.
EuroCham luôn sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng Chương trình hành động quốc gia quan trọng này”, Sách trắng nêu.