Eximbank bất ngờ báo lãi 224%
Eximbank bất ngờ báo lãi 244%, đạt hơn 1.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã: EIB) đã công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt hơn 1.000 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước.
Trước đó, trong quý 1, ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng đột biến lợi nhuận với 809 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Eximbank lãi trước thuế hơn 1.900 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ và cao hơn 60% so với lợi nhuận cả năm trước của ngân hàng. Với mức lợi nhuận này, Eximbank đã thực hiện được 76% kế hoạch năm (2.500 tỷ đồng).
Đây là lần đầu tiên Eximbank tạo ra được con số lợi nhuận nghìn tỷ chỉ trong 2 quý đầu năm, kể từ năm 2013 tới nay.
Trong gần chục năm nay khi các ngân hàng bạn cùng quy mô bứt phá thì lợi nhuận của Eximbank chỉ quanh quẩn mức 1.000 tỷ đồng mỗi năm.
Luỹ kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng gần 50% so với cùng kỳ lên 2.660 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 272,2 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng mạnh 343% tỷ đồng so với cùng kỳ, từ 30 tỷ đồng lên 133,4 tỷ đồng; lãi khác thường đến từ thu hồi nợ đã xử lý đạt gần 400 tỷ, gấp 4 lần so với cùng kỳ.
Riêng trong quý 2, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ghi nhận tăng trưởng mạnh hơn 46% và lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng đột biến mang về gần 90 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 7,4 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của Eximbank tăng 5%, lên 174.582 tỷ đồng, trong đó tiền gửi của khách hàng tăng 3% và cho vay khách hàng tăng 8,6%. Nhờ đó, số dư tiền gửi khách hàng và cho vay khách hàng lần lượt đạt 141.495 tỷ đồng và 124.528 tỷ đồng.
Về chất lượng tín dụng, tổng nợ xấu của Eximbank đã tăng 97 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng mức tăng 4,3%. Tuy nhiên, do tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng tốt, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của Eximbank giảm chỉ còn 1,88%, trong khi đầu năm tỷ lệ này là 1,96%.
Trong cơ cấu nợ xấu, nợ nhóm 3 (nợ dưới chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) lần lượt sụt giảm 36% và 50%. Ngược lại, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 36%, từ 1.357 tỷ đồng lên 1.852 tỷ đồng. Đến cuối quý 2/2022 tỷ trọng nợ có khả năng mất vốn của Eximbank chiếm 79% trong tổng nợ xấu.