F88 nói gì về việc 10 nhân viên thu hồi nợ bị khởi tố?
Công an TP. HCM đã khởi tố 10 nhân viên thu hồi nợ thuộc chi nhánh Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 (F88) tại TP. HCM. Ngay sau đó, F88 đã có một số phản hồi liên quan đến sự việc.
F88 cho biết ngày 23/3/2023, công ty nhận được thông báo của cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. HCM (PC02) đã tiến hành khởi tố 5 cá nhân là nhân viên thu hồi nợ. Đối với 5 cá nhân còn lại, cho đến nay F88 chưa nhận được thông báo chính thức về việc khởi tố.
Đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản của các cá nhân bị khởi tố, F88 cho biết công ty đã có quy trình, quy định, chế tài chặt chẽ trong hoạt động thu hồi nợ, đảm bảo tuân thủ pháp luật.
“Các cá nhân có hành vi vi phạm quy định của công ty và quy định của pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Công ty không bao che cho các cá nhân sai phạm. F88 đang phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân nói trên, đồng thời rà soát các điểm kinh doanh của F88 nhằm đảm bảo hoạt động tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật”, văn bản của F88 khẳng định.
Trước đó, tại Hội nghị Hội ý nghiệp vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm cưỡng đoạt tài sản hoạt động dưới dạng núp bóng, liên quan doanh nghiệp, công ty luật tại Tiền Giang, đại tá Mai Hoàng (Phó giám đốc Công an TP. HCM) cho biết công an thành phố đã triệt phá 6 băng nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng các công ty tài chính, luật, mua bán nợ.
Trong đó, Công an TP. HCM đã khởi tố 10 bị can là trưởng nhóm, nhân viên F88 với cáo buộc cưỡng đoạt tài sản. Ngoài ra, 79 địa điểm của doanh nghiệp này bị phát hiện vi phạm quy định về quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự.
Ở một diễn biến khác, liên quan đến vụ án Công ty Luật TNHH Pháp Việt, đại diện Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đơn vị đã khởi tố 2 phó giám đốc (Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng) cùng 20 trưởng phòng và 32 nhân viên.
Doanh nghiệp này hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa trợ giúp pháp lý (xử lý nợ xấu). Sau đó, Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng đã phân công nhiệm vụ cho các trưởng phòng, trưởng nhóm và từng nhân viên đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay tiền; người thân, bạn bè của họ. Việc này nhằm gây sức ép buộc người vay phải trả nợ.
Theo Cục Cảnh sát Hình sự (C02, Bộ Công an) sau các chuyên án trên, tình trạng khủng bố, đòi nợ bằng thủ đoạn khủng bố tinh thần đã giảm hẳn.
Trong quý I/2023, cả nước xảy ra 89 vụ Cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan điều tra các cấp đã phá 79 vụ, bắt 223 người, trong đó tại TP. HCM có 16 vụ, Hà Nội 7 vụ, Thanh Hóa 7 vụ, Bình Dương 6 vụ, Đăk Lăk 5 vụ.