Ga đường sắt thành siêu thị: Đất vàng vào tay tư nhân?

Theo chuyên gia, không thể giao toàn quyền khai thác nhà ga cho ngành đường sắt rồi phân lô chia nền, cho doanh nghiệp làm nhà cao tầng.

Tại cuộc tọa đàm "Thách thức và cơ hội phát triển ngành đường sắt Việt Nam", ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết,  Tổng Công ty đã trình đề án và Chính phủ đang giao cho Bộ GTVT tổng hợp tiếp thu ý kiến các bộ ngành để trình lại Thủ tướng và đồng thuận theo hướng giao các khu ga cho Tổng Công ty quản lý, khai thác.

Theo ông Minh, nhà ga là điểm đến, điểm đi, tại đây có thể nâng cấp thành khu vui chơi, siêu thị, dịch vụ..., hoàn toàn không đơn thuần là việc trung chuyển hành khách. Nhiều quốc gia đã đầu tư các ga bằng nguồn ngân sách từ Trung ương và địa phương, kể cả cho phép doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia.

Thống kê của ngành đường sắt cho thấy, hiện có 297 khu ga, trong đó có khoảng 10 khu ga có giá trị hấp dẫn. 

Trao đổi với Đất Việt, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, đề xuất nâng cấp nhà ga đường sắt thành trung tâm thương mại, khu vui chơi, dịch vụ... đã được đưa ra từ nhiều năm nay.

Ý tưởng và mong muốn của ngành đường sắt là tốt và khuyến khích nhưng ông Đào cho rằng, ngành đường sắt cần phải xem lại xem vì sao một thời gian rất dài các nhà ga thuộc quyền quản lý của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nhưng chưa được khai thác, sử dụng một cách hiệu quả, mà vẫn chỉ dựa vào ngân sách là chính?

Ga đường sắt thành siêu thị: Đất vàng vào tay tư nhân? - Ảnh 1
Nhiều nhà ga đường sắt nằm ở vị trí đất vàng, đất kim cương. Ảnh: Dân trí

"Mặt bằng, diện tích các nhà ga đều thuộc quyền quản lý của ngành đường sắt nhưng tại sao chúng lại không phát triển được? Có lẽ một thời gian quá dài ngành đường sắt ỷ vào ngân sách nhà nước nên không quan tâm đến mảng dịch vụ đi kèm với nhà ga để phát triển.

Ngành đường sắt phải xem lại cung cách tổ chức, quản lý, cách đấu thầu để làm sao huy động được các cơ sở kinh doanh vào hoạt động cho có hiệu quả. Đề xuất này không có gì mới, và đáng ra ngành đường sắt phải làm từ lâu", vị chuyên gia nói.

Theo GS.TS Đặng Đình Đào, đã đến lúc ngành đường sắt phải tính toán để sử dụng có hiệu quả tài sản mà Nhà nước giao cho ngành quản lý, trong đó có các nhà ga. Ngành đường sắt phải làm cho bộ mặt nhà ga giống như các nước, thậm chí là một công trình văn hóa cho bao thế hệ, và công trình văn hóa ấy có thể mang lại nguồn thu cho ngành để bù đắp chi phí.

"Dĩ nhiên, giao nhà ga cho ngành đường sắt khai thác không có nghĩa là toàn quyền muốn làm gì thì làm. Đó là tài sản quốc gia", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển lưu ý. Điều khiến ông lo ngại nhất là các nhà ga sẽ bị phân lô chia nền, thậm chí chuyển mục đích sử dụng.

"Đất nhà ga không phải như đất chợ. Giao cho ngành đường sắt để thu hút doanh nghiệp vào làm dịch vụ, siêu thị, khu vui chơi, rồi sau đó họ xây nhà cao tầng cho thuê, bán bất động sản..., biến của chung thành "của ông" thì không thể chấp nhận được.

Cho nên, phải có thỏa thuận rõ ràng. Phải xác định đây là dịch vụ thương mại-giải trí, khi Nhà nước cần thì có thể thu lại, đó là chuyện bình thường", vị chuyên gia nói.

Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Nhà nước không cấm phát huy mọi nguồn lực trong ngành đường sắt. Nếu làm thương mại, du lịch... mà có thể phát huy giá trị của nhà ga thì cũng là việc nên làm. Nhưng thực tế đã cho thấy, có nhiều nhà ga sau một thời gian dài cho thuê để bán hàng cuối cùng  cũng bỏ đi, không phát triển được vì không có khách. Lý do là hàng hóa vào đây đã bị đẩy giá lên, cuối cùng khách hàng quay lưng lại với ngành đường sắt, chuyển sang đi ô tô, máy bay.

Minh chứng khác cho cách làm của ngành đường sắt khiến khách hàng quay lưng, GS. TS Đặng Đình Đào dẫn chứng về câu chuyện khuyến mại của ngành đường sắt. Cung đường từ Hà Nội vào TP.HCM dài hơn 1.700km mà đi 900-1000 km mới được khuyến mại, giá vé nhiều chuyến đắt gấp mấy lần so với ô tô. Chuyện giảm giá vé đường sắt, theo ông, không khác gì "ngày thứ 6 đen tối", giá bị đẩy lên rồi giảm xuống một nửa.

Từ những thực tế này, vị chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh, ý tưởng khai thác nhà ga là tốt, nhưng ngành đường sắt phải xem lại từ trước đến nay vì sao mắc ở chỗ đó, không khai thác được? Tài sản của ngành đường sắt rất khổng lồ, hoàn toàn có thể sinh lời, nuôi được bộ máy nhưng cuối cùng lại không đủ trả lương, phải dựa vào ngân sách.

Ông khẳng định, muốn phát triển thương mại ngành đường sắt trở thành một ngành đa mục tiêu, đa lĩnh vực thì phải có cuộc cách mạng về nâng cấp hạ tầng, kỹ thuật, dịch vụ của ngành đường sắt từ khâu bán vé, giá vé cho tới các khâu phục vụ tại nhà ga. Nếu không làm được việc này, đường sắt sẽ không thể thu hút được khách, không có khách vào ga thì ngành đường sắt dẫu xây trung tâm thương mại, siêu thị cũng không biết phục vụ ai.

Bên cạnh đó, ngành đường sắt phải xóa bỏ tư duy bao cấp, thay đổi cung cách quản lý. Đặc biệt, khi nhiều nhà ga nằm ở những vị trí đất vàng, đất kim cương, thu hút vốn đầu tư từ tư nhân nhưng lại thiếu cơ chế quản lý, giám sát, hợp đồng không rõ ràng, minh bạch thì rất dễ xảy ra nguy cơ đất vàng rơi vào tay tư nhân.

Thành Luân

Theo Đất Việt