Gam màu đối nghịch của thị trường BĐS tại TP. HCM: Nhiều 'nút thắt' cần được gỡ phía sau mức doanh thu 'khủng'
Mặc dù đạt mức doanh thu khủng trong 6 tháng đầu năm với gần 124.000 tỷ đồng nhưng thị trường BĐS tại TP. HCM vẫn còn nhiều bất cập chờ được tháo gỡ.
Mặc dù đạt mức doanh thu khủng trong 6 tháng đầu năm với gần 124.000 tỷ đồng nhưng thị trường BĐS tại TP. HCM vẫn còn nhiều bất cập chờ được "tháo gỡ".
Doanh thu "khủng" từ BĐS
Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2024, thị trường BĐS tại TP. HCM đã thu về gần 124.000 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2023, theo báo cáo của Cục Thống kê TP. HCM.
Theo đó, vượt qua vùng đáy của năm 2023 (mức tăng trưởng ngành BĐS -6,38%), kinh doanh BĐS tại TP. HCM trong năm 2024 đã bật tăng ngoạn mục khi đạt mức tăng 2,51% trong quý I/2024 và nâng lên 2,94% trong quý II/2024.
Tình hình chung nửa đầu năm 2024, thị trường BĐS tại TP. HCM được đánh giá có mức doanh thu ổn định.
Cục Thống kê TP. HCM nhận định nguồn thu BĐS tại đây tăng nhờ thị trường đã vượt qua được giai đoạn trầm lắng khi các chính sách có liên quan đã phát huy được hiệu quả, thêm vào đó, việc lãi suất cho vay giảm và khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp tăng lên cũng là những yếu tố nguồn thu từ BĐS nhích dần lên.
Mặc dù lượt tìm kiếm các loại hình BĐS tại TP. HCM không biến động mạnh nhưng cũng đã ghi nhận ở mức tăng khá cao. Đơn cử như lượt tìm kiếm các loại đất bán tăng 45% , lượt tìm kiếm nhà riêng 34%, lượt tìm kiếm chung cư tăng 33%, lượt tìm kiếm nhà phố là 22% và lượt tìm kiếm biệt phủ tăng 25%.
Góc khuất phía sau mức doanh thu "khủng": Thị trường vẫn cần được gỡ khó
Đối nghịch với mức doanh thu "khủng" thu về từ thị trường BĐS thì thực tế, nội tại bên trong thị trường BĐS tại TP. HCM vẫn còn khá nhiều bất cập, vướng mắc chờ được "khơi thông".
Dù trong 6 tháng đầu năm, TP. HCM thu về mức doanh thu lớn nhưng trong thời gian này, tại đây không có bất cứ dự án BĐS mới nào được Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Một trong những điểm sáng tích cực trước thực trạng ảm đạm này là một số dự án trước đó cũng đã bắt đầu tái khái động sau khi được "tháo gỡ" vướng mắc.
Trước đó, thực trạng về việc cấp sổ đỏ cho hàng nghìn căn hộ trong tình trạng "treo sổ" cũng đã được giải quyết.
Trong 6 tháng đầu năm, TP. HCM đã thực hiện cấp 3.396 Giấy chứng nhận lần đầu (3.391 giấy chứng nhận cho cá nhân, 5 giấy chứng nhận cho tổ chức); đăng ký biến động 178.680 giấy chứng nhận cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố (đối với tổ chức là 2.736 Giấy chứng nhận; đối với cá nhân là 175.944 Giấy chứng nhận).
Dù có một vài điểm khởi sắc hiện hữu tại thị trường BĐS tại TP. HCM nhưng vẫn còn nhiều khó khăn còn tồn đọng.
Trong phiên họp thường kỳ Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. HCM mới đây, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết trong quý II/2024 đã tháo gỡ 2/7 dự án thương mại còn lại 5 dự án sẽ cố gắng giải quyết trong quý III/2024.
Thị trường BĐS tại TP. HCM dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Theo báo cáo của UBND TP. HCM, hiện nay việc tháo gỡ vướng mắc trong một số dự án vẫn còn chậm, chưa triệt để, nguyên nhân do chưa có chủ trương từ Trung ương, Chính phủ hoặc nhận thức khác nhau về vận dụng pháp luật chuyên ngành.
Dự kiến, trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, TP. HCM sẽ chuẩn bị nhanh nhất các nguồn lực nhằm triển khai các luật mới có liên quan đến BĐS đã được Quốc hội thông qua.
Lãnh đạo TP. HCM cũng yêu cầu các Sở, ngành liên quan tiến hành rà soát các vấn đề liên quan đến thẩm quyền để đề xuất và giải quyết ngay nhằm đảm bảo thành phố không bị động hoặc vướng trách nhiệm pháp ly khi đưa các luật mới vào thực thi.
Về nhiệm vụ cụ thể, thời gian tới TP. HCM sẽ tiếp tục tập trung phân nhóm và giải quyết các kiến nghị. Cụ thể:
- Nhóm 1: Ưu tiên, tập trung tháo gỡ đối với thủ tục đầu tư.
- Nhóm 2 và 3: Sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện và tiếp tục xử lý khi có kết luận/bản án có hiệu lực pháp luật.
- Nhóm 4: Chủ đầu tư tiếp tục thực hiện triển khai các dự án.
- Nhóm 5: Đối với nhóm đặc thù về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết.
Liên quan đến mức dư nợ tín dụng BĐS tại TP. HCM, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM cho biết mức tín dụng BĐS trên địa bàn TP. HCM đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây; trong đó tín dụng BĐS để phát triển hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê... tiếp tục tăng trưởng và tăng trưởng cao nhất so với lĩnh vực khác.
Thời gian vừa qua, thị trường BĐS tại TP. HCM hiện đang có sự phân hóa rõ rệt giữa khu Đông và khu Tây. Theo đó, khu Đông vốn là địa bàn hội tụ nhiều dự án BĐS cao cấp, hạng sang trong khu khu Tây và một phần khu Nam vẫn là thị trường tập trung các dự án trung cấp.
Sự phân hóa này khiến cho sức mua cũng nghiêng về khu Tây nhiều hơn, đặc biệt giữa bối cảnh thanh khoản thị trường BĐS đang tập trung ở những sản phẩm vừa giá với túi tiền.
Về tổng quan bức tranh chung của thị trường BĐS tại TP. HCM được đánh giá "khá sáng" với việc nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tăng giá trở lại, tuy nhiên ở loại hình phục vụ nhu cầu đầu tư vẫn còn khá nhiều khó khăn.