Muốn khai thác tuyến đường huyết mạch kết nối Bình Dương với TP. HCM vào năm 2026 cần chi bao nhiêu?
Theo quy hoạch, phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án sẽ được nới thêm 16m so với hiện nay, nâng tổng bề rộng trên tuyến lên khoảng 48m.
Sở GTVT TP. HCM đã có văn bản báo cáo UBND TP về phương án đầu tư đoạn 15,3km đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Đây là trục đường huyết mạch kết nối Bình Dương - TP. HCM qua các tuyến Quốc lộ 1, 1K, 13, được UBND tỉnh Bình Dương đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2015, hiện đi trùng với đường Vành đai 3 TP. HCM đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương.
Theo Sở GTVT, đoạn đường đang khai thác với quy mô 6 làn xe. Các nút giao trên tuyến cũng dạng đồng mức, khó đảm bảo năng lực thông hành khi toàn tuyến Vành đai 3 dự kiến khai thác năm 2026 nếu không được nâng cấp đồng bộ.
Theo tính toán của UBND tỉnh Bình Dương, để đầu tư nâng cấp, cải tạo đoạn 15,3km đảm bảo năng lực thông hành trên toàn tuyến khi đường Vành đai 3 đưa vào khai thác năm 2026 thì cần 28.279 tỷ đồng.
Dự án sẽ làm 4 làn cao tốc đi trên cao, bên trái tuyến hiện hữu (hướng từ Tân Vạn đi Bình Chuẩn) để đồng bộ tuyến chính Vành đai 3 đang triển khai. Dưới mặt đất, cùng với 6 làn xe hiện hữu sẽ xây thêm ba làn (2 làn cơ giới, một làn thô sơ), hình thành hai tuyến song hành dọc trục chính cao tốc.
Phạm vi giải phóng mặt bằng được nới thêm 16m so với hiện nay, nâng tổng bề rộng trên tuyến lên khoảng 48m. Riêng những nơi có nút giao sẽ được tính toán giải phóng mặt bằng phù hợp với quy mô ở khu vực.
Đến giai đoạn hoàn thiện, tuyến đường sẽ được đầu tư 8 làn cao tốc đi trên cao như toàn tuyến Vành đai 3, hai bên là đường song hành. Nút giao cũng được xây hoàn chỉnh, đồng bộ.
Do nguồn vốn rất lớn, tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ, chấp thuận giao địa phương triển khai theo hình thức đầu tư công. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã thống nhất giao Bộ GTVT phối hợp địa phương đề xuất cụ thể phương án thực hiện.