Gần 33.000 tỷ đồng trái phiếu đổ về nhóm doanh nghiệp liên quan dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An

Chỉ sau gần 1 năm, nhóm doanh nghiệp liên quan dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An đã huy động tổng cộng 33.000 tỷ đồng trái phiếu. Theo dự kiến, dự án này sẽ hoàn thiện vào năm 2025.

Kể từ thàng 7/2021 đến nay, 7 doanh nghiệp bao gồm CTCP WorldWide Capital, CTCP Air Link và CTCP Xây Dựng Kiến Hưng Thịnh, CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp), CTCP Hoàng Phú Vương, CTCP Osaka Garden và CTCP Hoa Phú Thịnh đã trải qua nhiều đợt phát hành trái phiếu, thu về tổng cộng gần 33.000 tỷ đồng.

Cụ thể, vào ngày 30/7/2021, 3 doanh nghiệp CTCP Hoàng Phú Vương, CTCP Osaka Garden, CTCP Hoa Phú Thịnh đã đồng loạt phát hành ba lô trái phiếu để huy động vốn nhận chuyển nhượng dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An. Đến tháng 10/2021, Osaka Garden tiếp tục phát hành thêm một lô trái phiếu với cùng mục đích

Tổng số tiền cả 4 lô trái phiếu huy động là 15.500 tỷ đồng và được hoàn thành vào cùng 1 ngày.

Cả 4 lô trái phiếu này đều có tài sản đảm bảo là các tài sản, quyền và lợi ích liên quan đến dự án thành phần thuộc dự án Sài Gòn Bình An của SDI Corp. Trước đó, ngày 18/8/2021, cả ba doanh nghiệp này đều ký hợp đồng với Techcombank, thế chấp tài sản đảm bảo trên.

Tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu của 3 doanh nghiệp trên.  
Tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu của 3 doanh nghiệp trên.  
Sau đó, theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ba doanh nghiệp gồm CTCP WorldWide Capital, CTCP Air Link và CTCP Xây Dựng Kiến Hưng Thịnh đã huy động thành công 10.830 tỷ đồng thông qua 6 lô trái phiếu.
Danh sách toàn bộ các lô trái phiếu được 7 doanh nghiệp liên quan dự án Sài Gòn Bình An huy động trong vòng chưa đầy 1 năm.  
Danh sách toàn bộ các lô trái phiếu được 7 doanh nghiệp liên quan dự án Sài Gòn Bình An huy động trong vòng chưa đầy 1 năm.  

Các lô trái phiếu trên đều có kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào ngày 30/9/2023. Toàn bộ số trái phiếu này đã được mua trọn trong vòng một ngày kể từ ngày phát hành. Thông tin về trái chủ, lãi suất, mục đích đều không được các doanh nghiệp công bố.

Trong đó, hai lô trái phiếu do WorldWide Capital phát hành có giá trị 1.260 tỷ đồng và 2.150 tỷ đồng, hai lô của Air Link có giá trị 1.240 tỷ đồng và 2.570 tỷ đồng, hai lô còn lại của Kiến Hưng Thịnh có giá trị 2.500 tỷ đồng và 1.110 tỷ đồng.

Đây đều là ba doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng dự án thành phần từ CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) và đã ký hợp đồng thế chấp tài sản với Techcombank một ngày trước khi phát hành các lô trái phiếu nêu trên.

Trước đó, vào đầu tháng 1/2022, chủ đầu tư dự án là SDI Corp cũng hoàn tất phát hành lô trái phiếu trị giá 6.574,6 tỷ đồng. Mục đích, lãi suất, trái chủ, tài sản đảm bảo, tổ chức thu xếp phát hành cũng không được thông tin.

Trước thời điểm huy động vốn, tháng 9/2021, SDI Corp đã thế chấp Khu nhà ở chung cư – kết hợp thương mại dịch vụ CT1 thuộc Khu đô thị Sài Gòn Bình An tại Techcombank. Bên cạnh đó, từ ngày 29 – 31/3/2022, doanh nghiệp này đã 3 lần ký hợp đồng thế chấp tài sản liên quan đến dự án Sài Gòn Bình An tại Techcombank, gồm ô đất CT6 và CT7.

Về dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An, dự án được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 1/1999 với quy mô dự án là 120 ha. Năm 2000, UBND thành phố chấp thuận thêm phần tiện ích sân golf An Phú, nâng tổng quy mô dự án tăng lên 137,4 ha và giao đất cho SDI Corp vào tháng 1/2001. Khi đó, dự án có tên là Khu liên hợp sân golf, thể dục thể thao và nhà ở (tên thương mại: Saigon Golf Country Club and Residences).

Phối cảnh dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An.  
Phối cảnh dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An.  
Đến cuối tháng 11/2015, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, theo phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của UBND thành phố, tổng diện tích khu đất đã giảm còn 117,4 ha. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm kể từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, ngày 18/3/2021, nhà thầu An Phong Construction đã tổ chức khởi công dự án.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và phát triển