Gần 4.000 tỷ làm 52km đường Hồ Chí Minh qua Kiên Giang và Bạc Liêu

Thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận có tổng chiều dài khoảng 51,82km. (Ảnh minh họa)
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận có tổng chiều dài khoảng 51,82km. (Ảnh minh họa)

Theo đó, dự án có tổng chiều dài khoảng 51,82km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài khoảng 45,22km; đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài khoảng 6,6km.

Cụ thể, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, dài khoảng 11,20km; điểm đầu thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang; điểm cuối thuộc địa phận huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận, dài khoảng 40,62km; điểm đầu tại thuộc địa phận huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang; điểm cuối thuộc địa phận huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.

Về quy mô đầu tư, dự án có vận tốc thiết kế 80km/h, mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh 4 làn xe; phân kỳ đầu tư quy mô 2 làn xe với bề rộng nền đường là 12m và bề rộng mặt đường là 11m.

Dự án dự kiến sẽ xây dựng 26 cầu; trong đó có 3 cầu vượt sông lớn là cầu Cái Lớn, cầu Bần Ổi và cầu Bến Luông.

Dự án thuộc nhóm A, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 3.904,66 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025; năm 2026 hoàn thành báo cáo Quốc hội.

Tháng 6 năm ngoái, tại phiên thảo luận của Quốc hội về việc tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Thể khẳng định đường Hồ Chí Minh là con đường đặc biệt, con đường huyền thoại nên Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Nói về nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, ông Thể cho biết giai đoạn từ năm 2000 – 2010, tiến độ triển khai dự án rất tốt. Tiếp đó, giai đoạn 2011-2015 được bố trí nguồn lực rất lớn, nhưng thời điểm đó xảy ra khủng hoảng kinh tế, Chính phủ ban hành nghị quyết để dừng, giãn nhiều dự án.

Theo ông Thể, giai đoạn 2011-2015, hầu như các dự án lớn, trong đó có dự án đường Hồ Chí Minh phải dừng, giãn để kiềm chế lạm phát và trong 5 năm này hầu như không thực hiện được. Giai đoạn 2016 đến 2020, chủ trương khởi động lại những dự án dang dở, dừng giãn và tập trung dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 và nhiều dự án trọng điểm. Nhưng nguồn lực dành cho dự án đường Hồ Chí Minh và các dự án dang dở giai đoạn này cũng rất ít nên không đủ nguồn lực thực hiện.

Cũng theo ông Thể, một trong những nguyên nhân chậm tiến độ nữa là đường Hồ Chí Minh là con đường đi qua địa hình phức tạp, khu vực địa chất khó khăn... Do đó, trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng…

Về nguyên nhân chủ quan, ông Thể cũng thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của Bộ và một số bộ ngành liên quan trong công tác tham mưu cho Chính phủ tham mưu Quốc hội để rà soát, bố trí nguồn vốn.

Chí Bình

Theo VietnamFinance