Bất động sản 24h: Người Việt có nên đầu tư bất động sản châu Âu thời Covid-19?
Người Việt có nên đầu tư bất động sản châu Âu thời Covid-19?; Cần có những giải pháp tình thế và lâu dài để cứu nguy cho BĐS du lịch... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Người Việt có nên đầu tư bất động sản châu Âu thời Covid-19?
Nhiều người Việt Nam kể với tôi rằng, bất động sản ở Việt Nam, nhất là ở Sài Gòn và vùng ven vẫn liên tục tăng trong suốt năm 2020. Có vẻ như đại dịch Covid-19 đã không gây ra ảnh hưởng quá nặng nề tới nền kinh tế của nước các bạn. Nhiều quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng chống dịch tốt và giữ được nền kinh tế ổn định.
Hiện nay nhiều người châu Á giàu có, trong đó có không ít người Việt Nam, nhất là những người có thân nhân sống ở châu Âu và Mỹ, hy vọng rằng bất động sản ở các nước này sẽ giảm sâu do ảnh hưởng của đại dịch, nên đây sẽ là cơ hội tốt để mua gom đầu tư. Nhưng điều này sẽ không đơn giản.
Cần có những giải pháp tình thế và lâu dài để cứu nguy cho BĐS du lịch
Covid-19 trở thành cú đánh bồi đẩy bất động sản du lịch vào giai đoạn “ngủ đông”. Khi các hoạt động du lịch vẫn chưa thể phục hồi như giai đoạn 2019 trở về trước, bất động sản du lịch sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam cho rằng mặc dù có những khó khăn thách thức, nhưng về lâu dài, đây vẫn là một phân khúc có nhiều tiềm năng. Để từng bước vượt qua khó khăn và chuẩn bị cho sự phát triển bền vững, cần có những thay đổi về giải pháp tình thế và lâu dài.
Một số giải pháp về ngắn hạn cần được đưa ra như sau:
Thứ nhất, về pháp lý, quy định cụ thể, rõ ràng các vấn đề liên quan trong luật, thúc đẩy việc ra giấy tờ chủ quyền cho những dự án đã bán cho khách mua đang bị vướng mắc và xác định quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan. Đây cũng là phương án để đón đầu sự phát triển lâu dài.
Thứ hai, dự án phải có sự độc đáo, khác biệt, thể hiện năng lực chủ đầu tư. Hiện nay, một vài chủ đầu tư đã xây dựng được chuỗi giá trị cho các hoạt động du lịch của mình, nên kết quả của hoạt động kinh doanh khả quan hơn.
Thứ ba, xúc tiến các hoạt động đầu tư du lịch nội địa để bù đắp phần nào những thiệt thòi trong thời gian vừa qua, từ đó vực dậy niềm tin cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Du lịch Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ nguồn khách du lịch quốc tế, nên nếu cứ chờ đợi lượng khách quốc tế phục hồi như năm 2019 (18 triệu lượt) thì có lẽ mất từ 2 - 3 năm nữa. Để bù đắp lại hao hụt của du lịch quốc tế, thì du lịch nội địa, du lịch MICE là nguồn kích thích tốt nhất...
Sốt đất ảo ở Bình Phước và bài học lớn cho nhà đầu tư
Những năm gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến nhiều đợt sốt đất, không chỉ tại các dự án ở các thành phố lớn, mà còn ở các thành phố vệ tinh như Đồng Nai, Thạch Thất (Hà Tây), Vân Đồn (Quảng Ninh), Đồng Nai, Phú Quốc... và gần đây nhất là tại Hớn Quản (Bình Phước).
Cơn sốt đất tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước được cho là do một bộ phận người dân truyền tai nhau về việc sắp quy hoạch đất tại địa phương để xây sân bay Téc-Ních với diện tích lên tới 500ha, sau khi tỉnh này khảo sát vị trí để xin chủ trương. Tuy nhiên, chỉ sau một tuần, hiện tượng sốt đất đã nguội, dòng người tìm đến cũng không còn, “bong bóng” đã vỡ, và chỉ còn lại hệ quả của một cơn sốt đất.
Bất động sản vừa túi tiền hút khách đầu năm Tân Sửu
Mặc dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021 mới kết thúc, song nhiều doanh nghiệp bất động sản đã rục rịch để chuẩn bị “bung” hàng nghìn căn hộ mới ra thị trường.
Điển hình, Tập đoàn Hưng Thịnh đang chuẩn bị tung ra thị trường 1.000 căn hộ tại TP Vũng Tàu và nhiều dự án mới tại Nha Trang, Quy Nhơn… Còn các sàn giao dịch của Novanland đã làm việc từ ngày mùng 5 Tết để bán hàng, chủ yếu tập trung vào các dự án đang triển khai tại Phan Thiết và Vũng Tàu.
Hàng loạt doanh nghiệp khác như Tập đoàn Danh Khôi, An Gia, Phát Đạt, Phúc Khang, Phú Long... cũng đang chuẩn bị đưa dự án mới ra thị trường, với hy vọng chào đón năm 2021 với nhiều khởi sắc.
Theo Thắng Lợi Group, dù năm 2020, cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng riêng bất động sản vẫn ghi nhận sự tăng trưởng, đặc biệt là những tháng cuối năm. Sang năm 2021, khi mà tình hình dịch bệnh đang có nhiều dấu hiệu khả quan, nhiều doanh nghiệp cũng đã có kinh nghiệm trong việc đối phó với dịch bệnh trước đó, dự kiến thị trường bất động sản sẽ từng bước phục hồi trở lại.
Các hoạt động giao dịch bất động sản cũng từ đó ghi nhận nhiều dấu hiệu khởi sắc. Trên thực tế, các giao dịch sau tết đã có sự tăng trưởng nhẹ đầu năm và hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong những tháng tiếp theo.
Đà Nẵng: Đầu tư 8.000 tỉ đồng xây nhà ở xã hội cho người lao động khó khăn
Ngày 8/3, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố vừa ban hành kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 với số tiền gần 8.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, trong 5 năm tới Đà Nẵng sẽ xây 9.680 căn nhà ở xã hội (khoảng 642.000m2 sàn) trên diện tích 22ha với tổng số tiền khoảng 7.700 tỉ đồng.
Ngoài ra, thành phố còn có kế hoạch xây dựng khoảng 27.000 căn nhà ở thương mại (51.300 tỉ đồng), triển khai xây 160 căn hộ chung cư phục vụ tái định cư dự án cấp thoát nước Khe Cạn - giai đoạn 1.
Riêng nhà ở do người dân tự xây dựng, trong 5 năm tới, thành phố Đà Nẵng có kế hoạch hỗ trợ, cải tạo xây mới, đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu với số lượng dự kiến 24.200 căn nhà.