Gấp rút hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ
Tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ là đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435mm, tốc độ thiết kế khoảng 190km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng. Với vận tốc trên, thời gian đi từ Cần Thơ lên TP Hồ Chí Minh sẽ được rút ngắn chỉ còn 75 - 80 phút thay vì đi đường bộ mất từ 3 - 4 h như hiện nay.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có cuộc làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ về tiến độ nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ. Theo đó, dự án sẽ hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2022.
Do vai trò quan trọng trong việc kết nối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực ĐBSCL, tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ đã được hoạch định trong Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của BCH Trung ương Đảng khóa XI và quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt với tiến trình đầu tư trước năm 2030. Do vậy từ năm 2013, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt này. Đồng thời Dự án tuyến đường sắt trên được Bộ GTVT đề xuất xây dựng trước năm 2030 với kinh phí khoảng 7 tỷ USD.
Tại buổi làm việc Bộ GTVT đề nghị các UBND các tỉnh liên quan chủ động cập nhật các quy hoạch ngành giao thông vận tải (trong đó có quy hoạch mạng lưới đường sắt) vào quy hoạch tỉnh, đảm bảo đồng bộ, nhằm phát triển giao thông là một trong các động lực đột phá phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Bộ yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt và Liên danh tư vấn TEDIS-TEDI-TRICC lưu ý hướng tuyến, vị trí các ga. Cần cập nhật các quy hoạch tỉnh đang triển khai để xác định tính khả thi, khai thác nguồn lực đầu tư.
Về tiến độ, yêu cầu tư vấn tập trung nguồn lực, khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, lấy ý kiến của các địa phương và các đơn vị có liên quan trong quý III/2022, hoàn thiện Báo cáo trong quý IV/2022 để triển khai các thủ tục tiếp theo, phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trước năm 2025 và triển khai đầu tư trước năm 2030.
Đồng thời tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan của địa phương cập nhật quy hoạch, phương án hướng tuyến, vị trí, công năng, phương án tổ chức kết nối các ga hành khách, hàng hóa.
Đối với hướng tuyến đoạn qua địa bàn thành phố Thuận An thuộc tỉnh Bình Dương, cần đề nghị địa phương triển khai cập nhật việc điều chỉnh hướng tuyến vào quy hoạch có liên quan của địa phương, thực hiện các thủ tục công bố điều chỉnh quy hoạch và chịu trách nhiệm về việc các nội dung điều chỉnh.
Trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt, tư vấn nghiên cứu, làm rõ thứ tự ưu tiên, phương án phân kỳ đầu tư của các hạng mục công trình nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo hiệu quả, nghiên cứu làm rõ các đoạn tuyến đường sắt đi trên cao, đi dưới thấp để thỏa thuận với địa phương, làm cơ sở quản lý quỹ đất, phát triển đô thị khu vực.
Theo đó, tuyến có điểm đầu là ga An Bình (Bình Dương), điểm cuối là ga Cái Răng. Chiều dài toàn tuyến khoảng 174 km với 13 nhà ga, đi qua 6 tỉnh, thành gồm Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.