Đường sắt Cát Linh-Hà Đông chính thức đi vào hoạt động
Sau 10 năm khởi công, sáng 6/11/2021, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã chính thức được bàn giao cho UBND TP Hà Nội và đưa vào khai thác thương mại. Như vậy, sau 10 năm xây dựng và nhiều lần lỗi hẹn, đến nay dự án đã hoàn thành, bắt đầu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, mở ra loại hình vận tải công cộng mới. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và cả nước đi vào hoạt động. Trong 15 ngày đầu, hành khách sẽ được miễn phí vé đi tàu.
Tàu điện Cát Linh – Hà Đông đã chính thức đi vào vận hành, khai thác thương mại từ 6/11/2021.
Lễ bàn giao dự án được tổ chức sáng 6/11 tại tầng 2 nhà ga Cát Linh với sự có mặt của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Thứ trường Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, đây là dự án đường sắt thí điểm đầu tiên của thủ đô được đưa vào khai thác, là tuyến đường sắt khối lượng lớn, vận chuyển đúng giờ, sẽ giải quyết ùn tắc phía Tây của Hà Nội. Sau quá trình xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải đã kiểm tra, nghiệm thu công trình đảm bảo an toàn chất lượng, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước đã chấp thuận kết quả nghiệm thu để đưa vào khai thác thương mại.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án tiếp tục chỉ đạo Tổng thầu Trung Quốc phối hợp với đơn vị vận hành là Metro Hà Nội trong giai đoạn đầu khai thác, bảo hành, bảo trì công trình.
Đại diện cơ quan tiếp nhận, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch TP Hà Nội, cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030, có 10 tuyến với tổng chiều dài 417 km, trong đó đi trên cao 342 km, đi ngầm 75 km. “Tuyến Cát Linh – Hà Đông hoạt động sẽ giúp tăng tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng, cùng 9 tuyến đường sắt đô thị khác đang xây dựng sẽ tạo ra mạng lưới giao thông quan trọng, góp phần giảm ùn tắc nội đô”, ông Tuấn nói.
Ông Vũ Hồng Trường – Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết, đến nay Metro Hà Nội đã cập nhật toàn bộ các khuyến cáo về vận hành của tư vấn và bổ sung 82 nhân sự khắc phục phòng ngừa rủi ro khi khai thác như cảnh giới an toàn tại ke ga. Tổng số nhân sự khai thác đường sắt Cát Linh – Hà Đông là 733 nhân viên.
9h, các nhà ga của đường sắt Cát Linh – Hà Đông mở cửa. Người dân có thể vào ga và trải nghiệm đi tàu miễn phí trong 15 ngày và được phát sổ tay hướng dẫn đi tàu.
Sau thời gian này, giá vé lượt dự kiến là 8.000 đồng với chặng ngắn và 15.000 đồng toàn tuyến. Ngoài ra, còn có vé ngày 30.000 đồng, vé tháng 100.000- 200.000 theo đối tượng khách. Người được miễn phí đi xe buýt ở Hà Nội cũng sẽ được miễn phí đi tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Tuần đầu, tàu điện hoạt động từ 5h30 đến 20h hàng ngày, tần suất 15 phút mỗi chuyến, tuần tiếp theo 10 phút mỗi chuyến. Sau 6 tháng, thời gian vận hành kéo dài đến 22h30, tần suất giờ cao điểm 6 phút mỗi chuyến. Nếu khách đi đông, biểu đồ chạy tàu sẽ được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trên tuyến đường sắt dài 13 km, tàu đi mất 23 phút nếu dừng tất cả 12 ga, thời gian dừng mỗi ga dự kiến 45 giây.
Có 52 tuyến xe buýt dọc đường sắt này, riêng ga Cát Linh 16 tuyến buýt. Để giúp người dân thuận tiện kết nối xe buýt với đường sắt, Hà Nội đã bổ sung, điều chỉnh nhiều điểm dừng đỗ, xây thêm 14 nhà chờ, bố trí dịch vụ trông xe cá nhân tại các bến.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác 35 km/h. Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút.
12 nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Ga Cát Linh, Ga La Thành, Ga Thái Hà, Ga Láng, Ga Thượng Đình, Ga vành đai 3, Ga Phùng Khoang, Ga Văn Quán, Ga Hà Đông, Ga La Khê, Ga Văn Khê, Ga Yên Nghĩa) được bố trí nhiều tiện ích như thang máy, thang cuốn, thang bộ, bảng biển thông tin hướng dẫn về giờ tàu; tin tức, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, hệ thống thu soát vé tự động, hệ thống thông gió, thoát hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế, camera giám sát an ninh…
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (tuyến 2A) dài 13 km, có tổng mức đầu tư ban đầu 8.769 tỉ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỉ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ.