GDP 6 tháng tăng 5,64% có bất thường?

Quý II năm nay, kinh tế Việt Nam có thêm động lực tăng trưởng, đặc biệt là ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay tăng tới 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020.

Trả lời câu hỏi của VietNamNet về việc GDP tăng như vậy có bất thường, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng phải nhìn số liệu của quý II năm 2020, thời điểm Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn bởi Covid-19 nên nền của năm 2020 rất thấp. Các ngành dịch vụ tăng trưởng âm, còn các ngành sản xuất tăng trưởng rất thấp. Trong quý II năm nay, chúng ta có thêm động lực tăng trưởng, đặc biệt ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, nếu Bắc Ninh, Bắc Giang không bị dịch Covid-19 tác động thì mức tăng trưởng ở mức cao nữa.

Về việc doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động lên đến con số 70.400 nhưng GDP vẫn tăng cao, một chuyên gia giải thích rằng doanh nghiệp rời bỏ thị trường chủ yếu là trong ngành dịch vụ, quy mô nhỏ nên chưa tác động nhiều đến con số tăng trưởng GDP.

Theo phân tích của đại diện Tổng cục Thống kê, làn sóng Covid-19 lần thứ tư ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, khu vực nông nghiệp - thủy sản 6 tháng đầu năm tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa và sản lượng tăng. Thịt lợn hơi xuất chuồng tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, đạt 11,57 tỷ USD, tăng 15,7%. Xuất khẩu thủy sản đạt hơn 4 tỷ USD và tăng 12,5%. Rau quả các loại đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 17,7%... Như vậy, khu vực nông nghiệp thuỷ sản năm nay ở phía cung có mức tăng trưởng khá so với năm trước.

Ngoài ra, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá do tốc độ sản xuất phục hồi. Đặc biệt khu vực công nghiệp chế biến chế tạo thu hút nhiều vốn đầu tư của các tập đoàn trên thế giới, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử...

Các KCN ở Bắc Giang, Bắc Ninh đã hoạt động trở lại bình thường. Ảnh minh họa: BQLCKCN Bắc Giang  
Các KCN ở Bắc Giang, Bắc Ninh đã hoạt động trở lại bình thường. Ảnh minh họa: BQLCKCN Bắc Giang  
 

Bên cạnh đó, một số năng lực mới tăng bổ sung cho nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021. Cụ thể là: Nhà máy sản xuất hàng may mặc công nghệ cao của Công ty Cổ phần May 40 ở Thái Bình với năng lực thiết kế 3 triệu sản phẩm/năm; Công ty TNHH Giầy Ngọc Tề ở Hưng Yên với 2 triệu sản phẩm/năm; Khu nhà máy may, sản xuất sợi tại Nam Định với 15.000 sản phẩm/ngày; Nhà máy may mặc xuất khẩu Apparel Tech Hà Tĩnh với 100.000 sản phẩm/năm; Công ty TNHH Techworld industries Việt Nam (sản xuất thiết bị điện chiếu sáng) với 958.000 sản phẩm/năm...

Về phía cầu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dù ảnh hưởng nhiều từ Covid-19 nhưng tính chung tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. “Như vậy, việc nói GDP tăng cao đời sống người dân đi xuống chưa hoàn toàn chính xác khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng. GDP theo phương pháp sử dụng thì tiêu dùng cuối cùng của dân cư cũng tăng 3,56%.

Mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay là 6,5%. Do đó, để đạt được mục tiêu này, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,2%.

Trao đổi với Đất Việt trước đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằn, tốc độ tăng trưởng 6,5% là một mục tiêu thách thức và sức ép đang dồn vào 6 tháng cuối năm.

Tuy nhiên, theo ông, không phải là không làm được, dĩ nhiên, nó còn tùy thuộc vào khả năng kiểm soát dịch Covid-19.

Vị chuyên gia nhận định, những động lực tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm nay sẽ tiếp tục phát huy trong 6 tháng cuối năm. Đặc biệt, dù đợt bùng phát dịch lần thứ 4 rất phức tạp với các biến chủng, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, dịch đã cơ bản được khống chế ở Bắc Ninh, Bắc Giang, các khu công nghiệp đã có thể hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới kể từ ngày 1/7. Ông Thịnh lưu ý, đóng góp của Bắc Ninh, Bắc Giang trong hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay cũng ngang ngửa TP.HCM. Do đó, động lực tăng trưởng về xuất nhập khẩu sẽ vẫn được phát huy.

Đối với TP.HCM, mặc dù dịch còn diễn biến phức tạp, nhưng với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của TP, ông Thịnh cho rằng, chỉ trong tháng 7, về cơ bản TP.HCM và các tỉnh lân cận có thể dập được dịch. Như vậy, động lực tăng trưởng lại quay trở lại trong hoạt động sản xuất kinh doanh của TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Với hoạt động xuất, nhập khẩu, ông Thịnh cho biết, xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng lên đáng kể. Chưa kể, các thị trường chủ yếu của Việt Nam đã và đang tiến hành tiêm chủng đại trà và dần mở cửa trở lại. Các tổ chức quốc tế cho rằng Mỹ có thể tăng trưởng năm nay từ 6-7%, Trung Quốc khoảng 8,5%, EU khoảng 4,8%... Khi các thị trường chủ yếu của Việt Nam tăng trưởng và phát triển trở lại thì nhu cầu về nguyên vật liệu, linh phụ kiện sẽ tăng lên để đáp ứng đầu vào của sản xuất kinh doanh.

Thứ nữa, thu nhập của người dân cũng tốt hơn, nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Đây cũng sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường này.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam cũng đẩy mạnh nhập khẩu ở các thị trường trên, từ sắt, thép đến các linh phụ kiện, máy móc, nguyên liệu phục vụ da giày, may mặc... Việc nhập siêu trong 6 tháng, theo ông Thịnh, là không đáng ngại bởi danh mục nhập khẩu là các tư liệu sản xuất, khả năng đẩy mạnh xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm là rất cao.

"Khi Việt Nam đẩy mạnh tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, chúng ta có thể quay trở lại sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới tốt hơn, thu nhập của người lao động sẽ tăng lên và tiêu dùng vì thế cũng tăng theo .

Việt Nam cũng đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Vừa qua, Chính phủ đã có Nghị quyết 63 thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công, do đó có thể tin rằng trong  6 tháng cuối năm vốn đầu tư công sẽ được giải ngân cấp tập để đáp ứng yêu cầu", ông Thịnh nói và khẳng định, mức tăng trưởng trên 7% trong 6 tháng cuối năm là hoàn toàn có thể thành hiện thực.

Minh Thái

Theo Đất Việt