Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2022: Hỗ trợ thiết thực cho người dân và doanh nghiệp
Bộ Tài chính hoàn thành dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 được xem là liều thuốc quý giá, giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh “hồi sức” trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Đại dịch diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế- xã hội trong suốt 2 năm qua. Triển khai các kết luận của Hội nghị lần thứ 3 và 4 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Chính phủ, báo cáo các cấp thẩm quyền, trình Quốc hội phê duyệt Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Các chính sách nêu trên nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, không để lỡ nhịp đà phục hồi của kinh tế thế giới cũng như ổn định kinh tế trong trung và dài hạn.
Trọng tâm giải pháp mà Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội đưa ra có 5 lĩnh vực chính: mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó triển khai miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Toàn bộ Chương trình thực hiện trong 2 năm (2022-2023). Chương trình đòi hỏi rất lớn cả về quy mô và thời gian thực hiện.
Giá trị của gói chính sách tài khóa là khoảng 291 nghìn tỷ đồng, gồm: miễn, giảm thuế, phí, tiền thu đất khoảng 64 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng (với giá trị hỗ trợ tương đương 6 nghìn tỷ đồng); chi đầu tư phát triển 176 nghìn tỷ đồng (gồm hỗ trợ tín dụng 45 nghìn tỷ đồng, chi đầu tư hạ tầng kinh tế- xã hội 131 nghìn tỷ đồng); chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là 6,6 nghìn tỷ đồng và bảo lãnh Chính phủ 38,4 nghìn tỷ đồng để tạo nguồn thực hiện các chính sách tín dụng về hỗ trợ tạo việc làm; để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cho vay đối với học sinh, sinh viên; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế- xã hội; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.
Cụ thể, trong tổng số 240 nghìn tỷ đồng chi trực tiếp từ ngân sách, có: 64 nghìn tỷ đồng miễn giảm thuế và 176 nghìn tỷ đồng đầu tư công. Ngân sách bố trí 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách trung ương 2021 hỗ trợ cho công nhân thuê nhà ở. Theo tính toán, hỗ trợ giãn, hoãn khoảng 135 nghìn tỷ đồng, trong đó, mức hỗ trợ cho doanh nghiệp khoảng 6 nghìn tỷ đồng.
Tổng số hỗ trợ 291 nghìn tỷ đồng, từ 2 nguồn: tăng bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) và từ tăng thu tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021. Nguồn thứ ba, đó là phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm.