Giá nhà ở Hà Nội thấp hơn TP.HCM khoảng 300 USD/m2
Thông tin trên vừa được Savills cho biết tại Báo cáo Động lực của thị trường nhà ở Việt Nam đến từ triển vọng kinh tế vững mạnh và cơ cấu dân số vàng.
Theo Savills, với quy mô dân số 94 triệu người, lớn số 3 ASEAN nhưng tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất khu vực - 36% (2018), nền kinh tế và thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam có tiềm năng vượt lên trên các nước làng giềng.
Theo báo cáo, Hà Nội và TP.HCM hiện đang trong quá trình tích cực chuyển mình với lượng FDI lớn và các luồng vốn đầu tư mới. Động lực phát triển của thị trường nhà ở đến từ cơ cấu dân số vàng, những thay đổi liên tục về cấu trúc và triển vọng kinh tế khả quan.
Hơn nữa, với vai trò là trung tâm kinh tế của Việt Nam, TP.HCM và Hà Nội góp phần đáng kể vào tăng trưởng tài chính cũng như tình hình hoạt động của thị trường BĐS cả nước. Hai thành phố này có lượng dân cư chiếm 17% tổng dân số quốc gia và tốc độ đô thi hóa cao nhất trong các nước ASEAN.
Tốc độ tăng trưởng dân số mạnh tại các khu vực đô thị đã tạo ra nguồn cầu lớn cho các dự án nhà ở mới, đồng thời việc quy mô hộ gia đình ngày càng giảm kết hợp với số lượng hộ gia đình một người thúc đẩy việc hình thành các hộ gia đình mới. Phần lớn nguồn cung mới đến từ các dự án chung cư thấp hạng, phản ánh các yếu tổ nền tảng về dân số và vĩ mô.
Lượng căn hộ giao dịch tăng cao ở cả Hà Nội và TP.HCM
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2014 – 2018, số lượng giao dịch căn hộ đã tăng đáng kể ở cả TP.HCM và Hà Nội.
Cụ thể, ở TP.HCM, số lượng giao dịch đã tăng trung bình 44%/năm trong vòng 5 năm qua, với đỉnh cao nhất là 49.000 giao dịch năm 2018. Tỷ lệ hấp thụ cũng mới đạt 87% - mức cao nhất trong 5 năm vừa qua. Sự phát triển có thể được nhìn thấy rõ nhất ở phân khúc nhà giá rẻ, hay chính là tiêu chuẩn hạng C, là phân khúc chính của thị trường trong giai đoạn 2014 – 2018, chiếm 60% tổng số giao dịch. Nguồn cung trong tương lai trong phân khúc này khá lớn, vì vậy dự kiến căn hộ hạng C sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.
Trong năm 2018, số lượng giao dịch nhà ở tại Hà Nội tăng 20% so với 2017. Phân khúc trung cấp, hay chính là tiêu chuẩn hạng B, chiếm 61% tổng số lượng giao dịch. Trong giai đoạn 2014 – 2018, phân khúc hạng B chiếm 43-61% số lượng giao dịch, trong khi phân khúc hạng C chiểm 31% thị trường, tăng 6% theo năm. Hạng A cung cấp 8% do giá bán cao và nguồn cung mới hạn chế.
Về xu hướng giá, Savills cho biết, năm 2018, giá bán trung bình ở TP.HCM là 1.600 đô la Mỹ/m2, tăng trung bình 10%/năm trong 5 năm qua do giá tăng trên tất cả các phân khúc. Hạng A ghi nhận mức tăng giá cao nhất nhờ nguồn cung mới đạt những tiêu chuẩn dự án cao hơn; hạng B và C cũng ghi nhận mức tăng giá nhưng với tốc độ chậm hơn.
Trong khi đó, giá bán trung bình tại Hà Nội năm 2018 ở mức 1.300 đô la Mỹ/m2 (thấp hơn TP.HCM khoảng 300 USD/m2), tăng nhẹ (1%) so với 2017; hạng A cũng ghi nhận mức tăng giá cao nhất. Do nguồn cung hạng B dồi dào, các chủ đầu tư đã đưa ra những mức giá cạnh tranh để duy trì doanh thu. Số lượng giao dịch hạng C tăng nhờ nhu cầu nhà giá rẻ tăng, các chủ đầu tư cũng đưa ra các điều khoản thanh toán, chương trình chiết khấu và khuyến mãi linh hoạt hơn để thu hút khách hàng.
“Triển vọng kinh tế khả quan, mức FDI cao và các chính sách tiền tệ phù hợp tạo cơ sở niềm tin rằng thị trường BĐS Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển. Đến năm 2020, phần lớn nguồn cung ở TP.HCM sẽ rơi vào phân khúc hạng C; còn hạng B dự kiến sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường Hà Nội”, báo cáo nhận định.
Theo VẠN XUÂN/BizLive