Giá xăng giảm lần hai liên tiếp
Liên Bộ Công Thương-Tài Chính vừa cho biết giá xăng ngày 1/3/2023 tiếp tục giảm lần 2 liên tiếp và từ 15h ngày 1/3, xăng E5 RON 92 và RON 95 đều giảm 120 đồng/lít.
Cụ thể, từ 15h hôm nay, giá xăng RON95 giảm 120 đồng/lít, giá bán là 23.320 đồng/lít. Giá xăng E5 giảm 120 đồng/lít, giá bán là 22.420 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 550 đồng/lít, giá bán là 20.250 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 370 đồng/lít, giá bán là 20.470 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành trước đó, giá xăng E5 cũng giảm 320 đồng/lít, giá bán là 22.540 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 320 đồng/lít, giá bán là 23.440 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 760 đồng/lít, giá bán là 20.800 đồng/lít.
Trước đó, ghi nhận đến ngày 23/2, xăng RON 92 ở mức 92,2 USD/thùng; xăng RON 95 khoảng 95,6 USD/thùng; dầu diesel 97,5 USD/thùng và dầu hỏa có giá 100 USD/thùng, cả hai loại dầu đều hạ gần 9 USD/thùng. Dầu dầu mazut giảm tới 11,5 USD/tấn, lên 420,6 USD/tấn.
Đến tối 27/2, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở mức 94,1 USD/thùng với xăng RON 92 và 97,9 USD/thùng với xăng RON 95.
Đại diện doanh nghiệp dự báo nhiều khả năng, ở kỳ điều chỉnh ngày 1/3/2023 giá xăng sẽ giảm khoảng 250-350 đồng/lít, dầu diesel giảm khoảng 400-500 đồng/lít. Tuy nhiên, mức giảm ở kỳ điều chỉnh hôm nay đã giảm ít hơn so với dự báo.
Trước đó, như VietnamFinance đã đưa tin, ngày 28/2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức “phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, tình hình thị trường xăng dầu vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, phải sớm đánh giá lại tình hình thị trường xăng dầu, xác định rõ vướng mắc, tìm ra nguyên nhân khách quan và chủ quan, đề ra giải pháp căn cơ, toàn diện để khắc phục.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là kịp thời sửa đổi các nghị định, thông tư có liên quan; thực hiện đầy đủ và phân định trách nhiệm rõ ràng của các bộ, ngành, địa phương cũng như của các doanh nghiệp để đáp ứng nguồn cung…
Cũng tại phiên giải trình, các Đại biểu Quốc hội thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành. Chẳng hạn như doanh nghiệp sản xuất được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không có cam kết về mức sản lượng tối thiểu, dẫn đến sự bị động khi phải tìm nguồn thay thế.
Xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng theo Luật Dự trữ quốc gia mà vẫn cất trữ chung trong kho thương mại của doanh nghiệp, dẫn đến thiếu minh bạch. Phương pháp tính giá có nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tính cạnh tranh, chưa tuân thủ các quy luật của thị trường; việc áp đặt định mức chi phí, lợi nhuận cho tất cả doanh nghiệp dẫn đến triệt tiêu động lực cạnh tranh.
Vẫn còn tình trạng chưa “tính đúng, tính đủ” cho doanh nghiệp, một số yếu tố cấu thành giá được rà soát định kỳ 6 tháng, hằng năm nên không phù hợp với tình hình thực tế.