Giải mã nguyên nhân Nhà Khang Điền (KDH) dòng tiền âm hơn 4.200 tỷ đồng, nợ phải trả vượt mốc 11.000 tỷ đồng
Trong năm 2024, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH) ghi nhận dòng tiền kinh doanh vẫn âm 4.252 tỷ đồng, cao hơn so với số âm 1.543 tỷ đồng trong năm 2023. Trong đó, nợ phải trả cũng vượt mốc 11.000 tỷ đồng.
![]() |
Dòng tiền liên tục âm nặng
Theo BCTC hợp nhất quý 4/2024 của Nhà Khang Điền, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ròng trong quý cuối năm 2024 vọt lên gần 398 tỷ đồng, tăng mạnh gấp 6,4 lần so với cùng kỳ 2023. Mặc dù chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng đáng kể, lợi nhuận vẫn tăng trưởng ấn tượng. Đây là mức lãi quý cao nhất của Nhà Khang Điền trong ba năm qua.
Lũy kế cả năm 2024, Nhà Khang Điền ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 3.278 tỷ đồng, tăng hơn 57% so với năm trước. Lợi nhuận ròng của KDH đạt gần 810 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước.
Mặc dù doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tích cực, nhưng dòng tiền kinh doanh của Khang Điền trong năm 2024 vẫn là âm 4.252 tỷ đồng, cao hơn so với số âm 1.543 tỷ đồng trong năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu là do tăng các khoản phải thu và hàng tồn kho.
![]() |
Nên nhớ, từ năm 2018 đến nay doanh nghiệp này liên tục ghi nhận dòng tiền âm qua các năm. Cụ thể, năm 2018 ghi nhận âm hơn 718 tỷ đồng; năm 2019 ghi nhận âm 163,53 tỷ đồng; năm 2021 âm đến hơn 2.000 tỷ đồng; năm 2022 âm 262,7 tỷ đồng.
Nợ phải trả vượt mốc 11.000 tỷ đồng
Dường như việc “thâm hụt” dòng tiền đã thôi thúc KDH gia tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền khi tổng nợ phải trả của Khang Điền đến cuối năm 2024 đạt 11.302 tỷ đồng, tăng hơn 3,1% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay tài chính chiếm hơn 7.098 tỷ đồng, bao gồm: 1.100 tỷ đồng nợ vay trái phiếu. Hơn 5.998 tỷ đồng vay ngân hàng dài hạn. Khang Điền hiện có 2 lô trái phiếu đang lưu hành với giá trị 300 tỷ đồng và 800 tỷ đồng, sẽ lần lượt đáo hạn vào tháng 6/2025 và tháng 8/2025.
![]() |
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Nhà Khang Điền đạt 30,753 tỷ đồng, tăng 16,1% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tại các dự án lên tới gần 22,179 tỷ đồng, tăng 18,1% và chiếm hơn 72,1% tổng giá trị tài sản. Cụ thể: Khu dân cư Tân Tạo: 6,859 tỷ đồng. Dự án Bình Trưng Đông: 8,084 tỷ đồng. Khu dân tư Bình Hưng: 1,816 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận đạt 3,012 tỷ đồng, tăng 64,6%. Các khoản lớn trong số này bao gồm: 1,160 tỷ đồng tạm ứng cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng. 818 tỷ đồng trả trước để mua quyền sử dụng đất. 600 tỷ đồng trả trước để nhận chuyển nhượng vốn góp.
Ngoài ra, Khang Điền còn có gần 3,095 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, giảm khoảng 634 tỷ đồng so với đầu năm.
Cổ đông ngoại lâu năm liên tục “dứt tình” sau nhiều năm
Quỹ ngoại Dragon Capital vừa có báo cáo giao dịch cổ phiếu KDH gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Theo đó, hai quỹ thành viên của Dragon Capital là Amersham Industries Limited và DC Developing Markets Strategies Public Limited Company đã bán ra lần lượt 200.000 và 250.000 cổ phiếu KDH.
![]() |
Sau giao dịch, nhóm Dragon Capital giảm sở hữu tại Nhà Khang Điền từ 91,19 triệu đơn vị (tỷ lệ 9,0187%) xuống còn 90,7 triệu đơn vị, tương đương 8,97% vốn điều lệ công ty này. Tạm tính theo giá cổ phiếu KDH vào kết phiên ngày 4/3/2025 là 33.750 đồng/cp, hai quỹ ngoại của Dragon Capital ước tính đã thu về tổng cộng hơn 15 tỷ đồng cho số cổ phiếu nói trên.
Dragon Capital không phải là quỹ ngoại duy nhất bán ra cổ phiếu KDH trong thời gian vừa qua.
Nhằm cơ cấu danh mục đầu tư, một thành viên của VinaCapital là quỹ Vietnam Ventures Limited đăng ký bán trọn 7,43 triệu cổ phiếu KDH đang sở hữu, tương đương 0,7348% vốn điều lệ Khang Điền. Giao dịch sẽ được thực hiện bằng phương pháp thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh, trong khoảng thời gian từ 25/2 – 26/3/2025.
Nếu giao dịch diễn ra thành công như đăng ký, Vietnam Ventures Limited sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu KDH nào.
VinaCapital là cổ đông lâu năm của Khang Điền kể từ khi tham gia đợt IPO vào năm 2007. Nhóm quỹ này hiện có 2 đại diện tại Khang Điền là Thành viên HĐQT Nguyễn Thị Diệu Phương và Thành viên Ban kiểm soát Vương Hoàng Thảo Linh.
Động thái thoái vốn của 2 quỹ ngoại trên diễn ra trong bối cảnh “sức khỏe” Khang Điền vẫn kém khi là một trong những doanh nghiệp có dòng tiền kinh doanh âm nặng nhất 2024.