Ông Nguyễn Văn Tuấn trả lời cổ đông về việc tham gia HĐQT Eximbank
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX), ông Nguyễn Văn Tuấn - thành viên HĐQT, tổng giám đốc, nhấn mạnh Gelex sẽ không tăng tỷ lệ sở hữu tại Viglacera.
GEX ước lãi trước thuế 600 tỷ đồng trong quý I/2025
Tại đại hội, ông Lê Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc GEX, đã báo cáo về kết quả kinh doanh năm 2024. Theo đó, năm qua, GEX ghi nhận doanh thu 333.752 tỷ đồng, tăng 12,5% và lợi nhuận trước thuế 3.613 tỷ đồng, tăng 158,6% so với năm trước. Động lực tăng trưởng chính là mảng thiết bị điện, bên cạnh khoản lợi nhuận lớn từ việc thoái vốn khỏi các dự án năng lượng tái tạo.
Năm 2025, GEX đặt mục tiêu doanh thu 37.600 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế 3.041 tỷ đồng, giảm 15%. Nguyên nhân mục tiêu lợi nhuận đi lùi là GEX không còn khoản lợi nhuận bất thường từ thoái vốn các dự án năng lượng tái tạo như năm trước.
Ông Nguyễn Trọng Hiền - Chủ tịch HĐQT GEX, hé lộ kết quả kinh doanh sơ bộ quý I/2025 tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu ước tăng 16% và lợi nhuận trước thuế ước tăng 58%, đạt 600 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn đã thực hiện khoảng 20% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.

Ông Nguyễn Văn Tuấn lý giải việc rút khỏi HĐQT Gelex
Tại đại hội, HĐQT GEX đã trình phương án bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT nhiệm kỷ 2021-2026. Ứng viên là bà Nguyễn Thị Minh Giang, sinh năm 1983, được biết đến là chuyên gia trong lĩnh vực phát triển, chuyển hoá lãnh đạo và dẫn dắt sự thay đổi. Nguyên do của việc này là trước đó, ông Nguyễn Văn Tuấn đã nộp đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT GEX để tập trung vào vai trò tổng giám đốc.
Hiện, ông Tuấn đang nắm trực tiếp 23,63% vốn điều lệ GEX. Ngoài ra, bà Đào Thị Lơ, mẹ ông Tuấn, sở hữu 3,07% vốn điều lệ GEX. Như vậy, ông Tuấn và người có liên quan sở hữu gần 27% GEX.
Trả lời chất vấn của cổ đông về việc rút lui khỏi HĐQT, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết trong những năm qua, ông đã lần lượt rút khỏi nhiều vị trí tại các đơn vị thành viên, như: CADIVI, Điện lực Gelex (HoSE: GEE) và giờ là GEX.
“Ở các công ty tốt trên thế giới, cổ đông lớn không bao giờ ngồi trong HĐQT hay ban điều hành. Tôi thấy thế cũng đúng. Mấy ông cổ đông lớn tham gia, cái tốt có, nhưng cái không tốt cũng có thể có. Tôi nghĩ cổ đông lớn không tham gia là tốt nhất”, ông Tuấn nói.
Việc ông Tuấn rút khỏi HĐQT GEX được đồn đoán là bước chuẩn bị cho việc ông sang điều hành tại Eximbank (HoSE: EIB), do vào tháng 8/2024, GEX đã mua thành công 89 triệu cổ phiếu EIB, nâng tỷ lệ sở hữu tại nhà băng này lên 10% (tương đương 175 triệu cổ phiếu).
Trả lời cổ đông về khả năng này, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định mục tiêu của GEX khi đầu tư vào Eximbank không phải để phát triển hệ sinh thái mà đó là khoản đầu tư có hiệu quả dài hạn. “Chúng tôi đang thuê đơn vị tư vấn chiến lược để chuyển đổi Eximbank. Nếu HĐQT ngân hàng yêu cầu tham gia để bảo vệ cổ đông thì Gelex sẽ tham gia”.
Không mua thêm Viglacera, thay đổi chiến lược đầu tư
Một nội dung khác được cổ đông quan tâm là việc GEX có tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu tại Viglacera (HoSE: VGC) hay không. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Tuấn cho hay, GEX đã mua cổ phần VGC vào năm 2019, khi VGC có giá khoảng 23.000 đồng/cổ phiếu. Hiện nay, giá cổ phiếu VGC đã tăng gấp đôi, trên 50.000 đồng/cổ phiếu. “Đây là mức giá không phù hợp để mua thêm. Chúng tôi sẽ tìm đối tác tốt, có năng lực, để xây dựng công ty tốt hơn. Nếu không ai mua thì chúng tôi sẽ làm tiếp”, ông Tuấn nói và khẳng định đây là quan điểm của GEX đối với mọi khoản đầu tư.
Vị CEO của GEX cho biết ban lãnh đạo tập đoàn đang hoạch định lại chiến lược. Trước đây, GEX tập trung mở rộng quy mô thông qua M&A, còn hiện nay là nâng cao hiệu quả, đầu tư có kỷ luật. “Nếu có M&A thì phải bao nhiêu % lợi nhuận mới làm, ví dụ hạ tầng phải trên 12% thì mới đầu tư. Mục đích là để EPS không giảm xuống nữa. Những năm tới đây, chúng ta sẽ đẩy EPS lên, như vậy giá cổ phiếu mới lên được”, ông Tuấn giải thích và chia sẻ thêm, “Với cổ tức cũng vậy, tối thiểu là 10%, nhưng sẽ 5% tiền, 5% cổ phiếu, ta phải duy trì vốn chủ để làm nhiều dự án mới”.
Đại hội của GEX kết thúc với việc tất cả tờ trình đều được thông qua.
Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Gelex đạt 53.782 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản ghi nhận lượng tiền và tuơng đương tiền đạt 4.074 tỷ đồng, tăng 23%.
Đáng chú ý, tại thời điểm kết thúc năm 2024, công ty đang đầu tư 4.148 tỷ đồng cổ phiếu, trong đó có 3.297 tỷ đồng cổ phiếu EIB của Ngân hàng Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Tổng dư nợ vay cuối quý IV/2024 của Gelex đạt 16.546 tỷ đồng, giảm 17% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 23.219 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu đạt 8.594 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 2.321 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đạt 1,3 lần.