Giải pháp nào cho căn bệnh 'dự toán thấp, thực hiện cao'?

Nhiều ĐBQH e ngại rằng vài chục năm qua, thu ngân sách bao giờ cũng đạt và vượt dự toán, kể cả những năm khó khăn. Đây chưa chắc đã là điều mừng bởi có thể do lập dự toán thu thấp, thiếu chính xác.

Thu ngân sách luôn đạt và vượt dự toán, kể cả năm khó khăn, tăng trưởng có thể không đạt
Thu ngân sách luôn đạt và vượt dự toán, kể cả năm khó khăn, tăng trưởng có thể không đạt

Chênh lệch dự toán và thu ngân sách

Thực tế cho thấy, luôn có chênh lệch giữa dự toán và thực thu ngân sách. Năm 2022 cũng không là ngoại lệ. Mặc dù nhiều chính sách miễn giảm thuế được thực thi song tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán. Ước thu ngân sách cả năm đạt khoảng 1.614,1 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng, tức là tăng 14,3% so với dự toán và tăng 2,9% so với thực hiện năm 2021.

“Vấn đề này tồn tại từ nhiều năm. Trước đó, sự chênh lệch lớn giữa số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 năm 2021 và số đánh giá bổ sung cũng đã diễn ra. Ví dụ chỉ trong thời gian rất ngắn (riêng trong quý IV/2021), thu NSNN tăng hơn 9 lần so với số báo cáo Quốc hội, số tăng thu chiếm khoảng 90,1% số tăng thu NSNN cả năm. Trong số này, nhiều khoản thu tăng rất cao so với dự toán, như thu về nhà, đất tăng 65% so với dự toán; thu tiền cấp khai thác khoáng sản tăng 71,2% so với dự toán; thu từ quỹ đất công ích tăng 120,7% so với dự toán”, một ĐBQH ở phía Nam nhận xét.

Những nguyên nhân từ báo cáo của Bộ Tài chính đưa ra cũng khá chung chung, là đã chủ động bám sát tình hình, tham mưu hoặc phối hợp tham mưu Chính phủ, Thủ tướng ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành kịp thời, đồng bộ các giải pháp chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, kiểm soát lạm phát. Bộ đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, chống thất thu; đẩy mạnh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử; tăng cường số hóa trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế,...

“Những lý do này đúng nhưng chưa đủ. Nhìn cả quá trình, thu ngân sách năm nào cũng vượt dự toán còn vì lý do lập dự toán thu thấp, hoặc có một cách nói khác là lập dự toán thu thiếu chính xác. Việc này có thể do nguyên nhân khách quan - đó là thực tế có những biến động bất thường nằm ngoài khả năng đoán định, song cũng có thể do nguyên nhân chủ quan - đó là năng lực dự báo còn hạn chế”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Hòa nhận xét.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Ngân sách - Tài chính của QH cũng nhận định, việc chênh lệch quá lớn so với dự toán và số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 thể hiện năng lực dự báo, đánh giá còn hạn chế, chưa dự báo đầy đủ các biến động kinh tế - xã hội với các yếu tố tác động đến thu NSNN trong những tháng cuối năm.

Cần chữa “bệnh kinh niên”

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định từng nhận định, dự toán thu thấp thì dư địa để điều hành chính sách tài khóa sẽ bị hạn chế. Có nghĩa là chúng ta đang tự làm khó mình, tự thu hẹp không gian tài khóa của mình. Dự toán thu ngân sách thấp, hay không chính xác sẽ ảnh hưởng đến công tác điều hành ngân sách và hiệu quả của chính sách tài khóa đến tăng trưởng kinh tế chắc chắn không được như mong đợi.

Trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như dự toán ngân sách của năm tới. Những "căn bệnh kinh niên" của ngân sách sẽ được các ĐBQH tập trung thảo luận, đánh giá thực chất, đưa ra giải pháp trong đó có lập dự toán thu thấp.

“Bên cạnh làm rõ những hệ lụy của việc lập dự toán thu thấp, cử tri mong muốn các đại biểu cần đóng góp ý kiến để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm giải trình; đồng thời đề xuất giải pháp để theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách ở tất cả các cấp. Cần có thuốc chữa “căn bệnh kinh niên” dự toán thu ngân sách chưa sát thực tế”, ông Nguyễn Minh Hòa chia sẻ.

“Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của quốc gia và những đồng tiền do người dân đóng góp là điều nhiều cử tri mong mỏi. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính; tình trạng sai phạm trong việc đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19; thất thoát, lãng phí đầu tư công vẫn còn cần được mổ xẻ nguyên nhân. Vượt thu ngân sách ngoài dự toán cao chủ yếu do nguồn thu đến từ tiền sử dụng đất là chưa bền vững. Dự báo thu ngân sách nhà nước cần sát với thực tiễn hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp là điều cử tri đang mong muốn các ĐBQH làm rõ”, Thạc sỹ Nguyễn Hoài, giảng viên ĐH Kinh Tế TP. HCM bày tỏ.

Ninh Dương

Theo VietnamFinance