Giám đốc công ty truyền thông bỏ nghề, xây dựng thương hiệu “Mỳ Quảng Ngon”
Xa quê gần 30 năm, phiêu bạt nhiều nơi nhưng chưa bao giờ anh Thanh được ăn một tô mỳ quảng đúng vị. Và rồi anh quyết định mở quán Mỳ Quảng Ngon với mong muốn xây dựng một thương hiệu mỳ đúng vị để người Quảng Nam ở Sài Gòn có thể tìm đến.
Tháng 10 ở Sài Gòn, trời bắt đầu bước vào những ngày mưa tầm tã. Cứ đến giờ tan tầm, dòng người vốn đã đông đúc, nay vì những cơn mưa làm cho thêm vội vã, chen lấn.
Men theo dòng người đổ vội trên đường Âu Cơ, tôi lách vào đường Ba Vân (phường 14, quận Tân Bình) để “thoát ra” Trường Chinh, tránh khung cảnh hỗn loạn. Tình cờ lại bắt gặp biển hiệu “Mỳ Quảng Ngon” ở số nhà 161/22 Ba Vân, tôi nhớ từng được một số người quen quê Quảng Nam giới thiệu. Thôi thì dù gì trời cũng về chiều, bụng bắt đầu kêu, tôi quyết định ghé vào xem quán “Mỳ Quảng Ngon” này có gì mà những người gốc Quảng lại ưng ý thế.
Từ doanh nhân đến chủ quán mỳ
Ấn tượng đầu tiên của quán Mỳ Quảng Ngon là không gian không quá lớn, nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Bên ngoài là tiểu cảnh gồm bãi đất trống được xây cao ráo, rộng rãi, nhiều cây xanh cao, tán che mát và rộng, bên dưới khô ráo. Nhìn không gian ấy, ai cũng thấy như đang đứng giữa một vùng quê ở đất miền Trung.
Niềm nở đón chào khách là anh Hồ Tấn Thanh - người quê ở xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Nghe giọng nói, chẳng ai nghĩ anh Thanh đã rời quê gần 30 năm vì chất “rứa”, “hỉ” vẫn còn nguyên vẹn.
Hỏi ra mới biết, anh đang là giám đốc một công ty chuyên về thương hiệu và truyền thông. Gần 30 năm ở Sài Gòn, lăn lộn đủ nơi, anh ăn không biết bao nhiêu quán mỳ quảng, nhưng với anh thì tất cả đều chưa “đã”, chưa đúng vị quê hương.
“Mỳ quảng là một món ăn dân dã và là niềm tự hào của người dân quê tôi. Miền trung có nhiều tỉnh bắt đầu bằng chữ Quảng, nhưng nhắc đến mỳ quảng là nhắc đến Quảng Nam chứ không trật được. Người Quảng tha hương cũng nhiều, đến định cư ở đâu cũng mang theo món này. Sau này vì đời sống thay đổi, nhiều quán mỳ quảng mở ra, nhất là Sài Gòn này, nhưng mà tìm được một quán mỳ chế biến đúng vị đặc trưng vốn có của người Quảng Nam thì cực kỳ khó”, anh Thanh bộc bạch.
Chính vì chưa thấy “đã”, anh quyết định rút dần khỏi công việc truyền thông để tập trung mở quán “Mỳ Quảng Ngon” ở số 121/22 Ba Vân (phường 14, quận Tân Bình). Quán mỳ chỉ có anh và vợ - cũng là thanh mai trúc mã từ nhỏ của anh cùng làm, trong đó vợ anh là đầu bếp chính. Theo anh thì bất kỳ người phụ nữ Quảng Nam nào cũng biết nấu mỳ quảng.
Với người Quảng Nam, ai đến nhà chơi cũng phải ăn một tô mỳ quảng rồi mới được ra về, vì vậy con gái Quảng Nam từ nhỏ đã được dạy món ăn dân dã này. Anh Thanh gọi đó là “tình người xứ Quảng”, dung dị nhưng mặn mà như hương vị mỳ quảng.
“Mỳ quảng ăn sâu vào ký ức người Quảng Nam xa quê như tôi. Với Mỳ Quảng Ngon, tôi mong muốn tạo dựng một thương hiệu mỳ quảng thứ thiệt ở đất Sài Gòn, để bất kỳ người Quảng Nam nào cũng tìm thấy được hương vị, ký ức quê hương ở đây. Còn ai không phải người Quảng Nam nhưng muốn ăn tô mỳ quảng đúng vị, đặc trưng nhất cũng có địa chỉ uy tín để tìm đến”, anh Thanh tâm tình.
Hương xứ Quảng giữa Sài Gòn
Tôi là người xứ Nghệ nên không hiểu rõ “cái vị” Quảng Nam mà anh Thanh nhắc đến là gì, nhưng nhờ được đi nhiều, tôi cũng thưởng thức được món ăn này ở đủ mọi nơi, từ bắc đến nam. Mỗi nơi lại có một mùi vị khác nhau, nhưng đúng là ngồi ở Mỳ Quảng Ngon, tôi cũng có một chút cảm giác rất “Quảng”. Vị mỳ đậm đà, nước chan béo ngậy cùng với miếng gà, miếng đậu phộng giòn rụm, tất cả vừa khéo để tạo nên một tô mỳ hợp với khẩu vị đủ mọi vùng miền.
Thì ra cái tên Mỳ Quảng Ngon không phải là đặt cho kêu, cho “đã” mà ngon thật. Có lẽ việc đặt tên quán chính là lời khẳng định mạnh mẽ nhất về chất lượng của vợ chồng chủ quán đối với món ăn của họ.
Theo anh Thanh, ngày xưa, muốn ăn được mỳ quảng không đơn giản như bây giờ. Mỳ quảng chỉ được làm khi trúng mùa lúa, gia đình có giỗ tiệc hay có khách đến chơi. Để làm ra tô mỳ, mẹ và chị phải xay bột từ gạo trong cối bằng đá núi, rồi nhóm lò tráng bánh bằng những cây củi to, lá mì lớn cỡ miệng nồi.
Khi lá mì chín mềm tỏa mùi thơm phức. Sau đó mẹ mới “chấn” cọng mỳ nhỏ vừa để ăn. Tùy gia đình mà nhân mỳ cũng khác nhau, như gà bắt ở vườn, cá lóc dưới ao hay chỉ là tí thịt heo ba rọi béo ngậy, vài con côm.
Chính vì cái vị quê hương ấy, anh Thanh quyết tâm phải làm cho ra cái món ăn đặc trưng xứ Quảng, không chỉ dành cho người Quảng xa quê, mà có thể phù hợp được với khẩu vị của tất cả mọi người.
Để làm nên tô mỳ quảng ngon, nhất định phải có là đậu phụng tháng 5 ép còn nóng hổi, khử thêm củ nén thơm phức. Rau thì nhà nào có gì dùng nấy, nhưng ngon nhất phải là cải con, cùng bắp chuối sứ, hành, ngò, húng lủi. Tô mỳ chan ít nước, đặc biệt là vớt tý nước béo trong nồi nước dùng đổ lên trên cọng mỳ. Cho rau sống, bóp bánh tráng rôm rốp lên tô mỳ, cho một chút mắm ớt tỏi giã nhuyễn, trộn đều cho thấm.
Anh Thanh chia sẻ, mỳ quảng ăn đúng cách là phải để một thời gian cho mỳ lạnh hẳn rồi mới dùng. “Lúc để nguội rồi, bưng tô lên là lùa vào miệng liên tục, rồi cắn thêm miếng ớt xiêm nhỏ, xong vừa nhai vừa cảm nhận. Mấy phút là xong tô mỳ. Đó mới là cách ăn mỳ quảng đúng, chứ không phải ăn nhấn nhá, từ tốn như những loại mỳ khác”, anh Thanh chia sẻ.
Với tấm lòng của của người miền Trung, anh Thanh đang cố gắng tạo ra địa chỉ hấp dẫn để làm nơi giao lưu, gặp gỡ những người con xa xứ, bôn ba nơi đất khách quê người. Đặc biệt, anh cũng mong muốn đưa món mỳ xứ quảng đặc trưng nhất đến gần hơn với bất cứ thực khách nào. “Mỳ quảng của chúng tôi có hương vị đậm đà riêng nhưng vẫn giữ những nét đặc trưng của mỳ xứ Quảng, đặc biệt độ ngon thì không thua bất kỳ một thương hiệu mỳ nổi tiếng nào ở Sài Gòn mà giá cả lại hợp lý hơn rất nhiều”, anh Thanh nói.
Theo anh Thanh, giá một tô mỳ ở quán anh có giá từ 30.000 đồng. Bất cứ ai, tầng lớp nào cũng có thể dễ dàng thưởng thức mà không lo về giá cả hay chất lượng. Ngoài mỳ quảng, hiện quán anh cũng đang bán thêm rất nhiều món ngon xứ Quảng khác như hến xúc bánh tráng, lòng xào nghệ tươi, mít trộn, bao tử trộn, giò heo hầm chuối chát,…
“Tất cả các món này đều là món ăn đặc trưng của quê tôi, vừa dân dã, bình dị nhưng cũng không kém đi vị ngon”, anh Thanh chắc nịch.
Tạm biệt Anh chủ ”Quán Mì Quảng Ngon”, tôi ra về mang theo những cảm xúc khó tả về những con người tha phương, họ luôn hướng về quê hương, mong muốn tôn tạo hình ảnh quê hương nơi đất khách bằng những điều giản dị nhất, một tô mì quảng và những món ăn thật bình dân nhưng mang đậm hồn quê…
Nhật Linh
Sở hữu trí tuệ/ Link: https://sohuutritue.net.vn/giam-doc-cong-ty-truyen-thong-bo-nghe-xay-dung-thuong-hieu-my-quang-ngon-d83834.html