Giảm tồn đọng hàng hóa ở cảng: Giải pháp căn cơ nhất là tạo nguồn lao động "sạch"
Với việc nhiều tỉnh, thành tiếp tục giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp (DN) phải ngưng sản xuất, kéo theo gia tăng hàng hóa tồn đọng tại các cảng, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng giải pháp căn cơ nhất là tạo nguồn lao động
Mới đây, cơ quan Hải quan đã kịp thời cho phép Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn được vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan đang ùn ứu tại Cảng Cát Lái đến các khu vực cảng biển, cảng cạn trong cùng hệ thống cảng biển của Tổng Công ty trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để giải tỏa tình trạng ùn tắc, quá tải tại cảng Cát Lái. Qua đó hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp đóng trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương được thực hiện thủ tục nhận hàng hóa ngay tại các đơn vị hải quan trên địa bàn do DN đóng trụ sở mà không phải di chuyển đến TPHCM để nhận hàng.
Tại Tọa đàm trực tuyến “Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp trong cao điểm dịch COVID-19" do Tạp chí điện tử Hải quan tổ chức ngày 18/8, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, sự chủ động vào cuộc của Bộ Tài chính, Bộ GTVT và Bộ Công Thương đã kịp thời ngăn chặn tình trạng ùn ú xảy ra sớm hơn. Nếu chúng ta không nhanh chóng vào cuộc trong thời gian vừa qua thì có lẽ cũng đã xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng như ở cảng Chittagong, Bangladesh hồi tháng 7.
Việc nhiều nhà máy, DN xuất nhập khẩu phải dừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội gây ra hiện tượng hàng hóa tồn bãi ở cảng Cát Lái.
Theo thống kê của Công ty Tân cảng Sài Gòn, tại các cảng ở TP Hồ Chí Minh và những khu vực lân cận, dư địa sức chứa hàng hóa chỉ bằng 30% đến 35% của cảng Cát Lái. Nếu cảng Cát Lái mà ùn tắc thì trong một thời gian ngắn các cảng kia cũng có nguy cơ ùn tắc.
"Chúng tôi có liên kết với cảng bạn để trong trường hợp Cát Lái có dấu hiệu ùn tắc hoặc không tiếp nhận được tàu, chúng tôi sẽ đưa hàng hóa tới các cảng bạn. Và việc hỗ trợ của cơ quan hải quan cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho những DN lấy hàng trực tiếp tại các tàu chuyển về đây là giải pháp cực kỳ hữu hiệu mà các nước trên thế giới đã làm. Việc luật hóa biện pháp này là hết sức cần thiết để tạo hành lang pháp lý cho không những khách hàng, mà còn cho cả người vận tải và DN cảng", ông Nam cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Nam, với việc TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành lân cận quyết định giãn cách xã hội thêm 1 tháng tính từ ngày 15/8, trong khoảng thời gian 1 tháng đó, DN tại các địa phương tiếp tục gặp khó khăn. Việc phòng, chống dịch và áp dụng mô hình “3 tại chỗ” dài ngày khiến một số nơi chưa hiệu quả, không bảo đảm công tác phòng, chống dịch nên có thể nhiều DN sẽ phải tạm ngưng sản xuất.
Theo đó, hàng hóa sẽ không được mang về kho để sản xuất, mà lưu giữ trên toàn chuỗi vận tải, kể cả ở các cảng biển nước ngoài và ở Việt Nam. Với lưu lượng hàng hóa thông quan hàng ngày tại Cát Lái lớn như hiện nay việc đình trệ sản xuất từ phía DN chắc chắn sẽ tác động đến lưu giữ hàng hóa tại cảng.
Với nhận định này, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đề xuất phải tạo điều kiện thuận lợi hết sức cho DN để làm sao các DN đang sản xuất được làm thủ tục thông quan và giao nhận hàng hóa nhanh chóng nhất để có thể lấy hàng hóa từ cảng về nhà máy một cách thuận tiện, kịp thời, qua đó sẽ giảm lượng hàng tồn tại cảng.
Ngoài ra, theo ông Nam, phải tạo được nguồn lao động "sạch" cho DN. Tức là phải tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân nhà máy.
“Tôi nghĩ đây là giải pháp căn cơ nhất. Các DN, nhà máy hoạt động được, các khâu tiếp theo mới chuyển động được, hàng hóa khi đó mới được lấy ra khỏi các điểm nút vận tải, đặc biệt tại các cảng biển về để sản xuất. Nếu DN yếu đi, không thể tiếp tục sản xuất thì đương nhiên hàng hóa sẽ tồn đọng nhiều tại cảng”, ông Nam nói.
Một giải pháp khác được ông Nam cho là có tính căn cơ để giải quyết việc hàng hóa chất đồng tại cảng, đó là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN sản xuất, tái sản xuất đối với những DN đã ngừng hoạt động bằng việc tăng sức sống cho DN qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại, cũng như chuẩn bị sẵn cơ chế để điều tiết trong trường hợp hàng hóa ùn ứ tại các cơ sở cảng.