Giao thông thủy lợi Hà Nội: Doanh thu tăng nhanh, nợ ngày càng lớn
Mặc dù trúng nhiều gói thầu có giá trị từ hàng chục đến cả trăm tỷ đồng nhưng bức tranh tài chính của Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng giao thông thủy lợi Hà Nội có nhiều chỉ số 'bất ổn' khi nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.
Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng giao thông thủy lợi Hà Nội (Giao thông thủy lợi Hà Nội) có địa chỉ tại số 24B ngõ 535/14 đường Lạc Long Quân, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Ngô Quý Mừng kiêm giám đốc. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực: xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng; lắp đặt hệ thống điện; bán buôn các thiết bị máy móc; và bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng.
Theo dữ liệu của VietnamFinance, Công ty Giao thông Thủy lợi Hà Nội trong vai trò độc lập hoặc liên danh đã tham gia đấu và trúng ít nhất 46 gói thầu, với tổng giá trị trúng thầu lên tới 4.685,42 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập hơn 746,99 tỷ đồng và tổng giá trị các gói thầu với vai trò liên danh là hơn 3.938,42 tỷ đồng.
Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán là 93,51%. Các tỉnh thành đã tham gia thầu: Bến Tre (14), Sóc Trăng (7), Tiền Giang (3), Đồng Tháp (2), TP.Hồ Chí Minh (2),…
Từ Hà Nội vươn vào miền Tây
Dữ liệu cho thấy, Giao thông Thủy lợi Hà Nội là nhà thầu quen mặt tại: Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre khi trúng ít nhất 15 gói thầu, với tổng giá trị trúng thầu hơn 1.320,23 tỷ đồng; trúng ít nhất 10 gói thầu tại Ban QLDA 2 tỉnh Sóc Trăng, với tổng giá trị trên 490,82 tỷ đồng; trúng 2 gói tại Ban QLDA ĐTXD công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh với tổng giá trị trên 439,19 tỷ đồng.
Các gói thầu mà Giao thông Thủy lợi Hà Nội trúng là tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước thấp và không có đối thủ cạnh tranh.
Đơn cử, chỉ trong cùng một ngày (21/12/2023), Giao thông Thủy lợi Hà Nội với vai trò cả độc lập và liên danh trúng liền cùng lúc 2 gói thầu “khủng” từ Ban QLDA ĐTXD NN&PTNT tỉnh Bến Tre do Phó Giám đốc Lê Minh Truyền ký phê duyệt lựa chọn nhà thầu. Tổng giá trị của hai gói thầu này lên tới hơn 414 tỷ đồng.
Cụ thể, Giao thông Thủy lợi Hà Nội 1 mình tham gia đầu và trúng thầu Gói thầu: Thi công xây dựng công trình, dự án Kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án Kè chống sạt lở bờ sông Giao Hòa, xã Giao Long, với giá trúng thầu 88,05 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 89,78 tỷ đồng. Hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu rút gọn.
Thứ hai là Gói thầu XL01: Xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị 11 cống, với giá trúng thầu hơn 326,86 tỷ đồng; giá dự toán 329,26 tỷ đồng. Ở gói thầu này, Giao thông Thủy lợi Hà Nội liên danh cùng các công ty: Công ty TNHH MTV Trần Trân – CTCP Xây dựng Ngọc Á Châu – CTCP Xây dựng Đại An.
Trước đó, Giao thông Thủy lợi Hà Nội cùng liên danh với Công ty TNHH MTV Trần Trân trúng Gói thầu: Thi công xây dựng công trình, dự án hạ tầng thiết yếu hỗ trợ phát triển vùng cây ăn trái hoa kiểng khu vực mỏ Cày Bắc và huyện Chợ Lách. Giá trúng thầu hơn 127,22 tỷ đồng, giá dự toán hơn 128,50 tỷ đồng. Như vậy, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước với tỷ lệ chỉ 0,9%.
Thêm một gói thầu lớn khác cũng về tay Giao thông Thủy lợi Hà Nội là Gói thầu: Thi công xây dựng các hạng mục hồ chứa nước ngọt, dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Theo đó, Liên danh Giao thông Thủy lợi Hà Nội – CTCP Xây dựng thương mại Thới Bình – Công ty TNHH Xây dựng Chấn Hưng, trúng thầu với giá hơn 169,73 tỷ đồng; giá dự toán hơn 171,46 tỷ đồng. Tiết kiệm cho ngân sách nhà nước với tỷ lệ chỉ 1%.
Đáng chú ý, Giao thông Thủy lợi Hà Nội là đơn vị liên tục đấu trùng nhiều gói thầu tại Ban QLDA 2 tỉnh Sóc Trăng.
Cụ thể, ngày 22/12/2022, Giám đốc Ban QLDA 2 tỉnh Sóc Trăng Thạch Minh Hoài ký quyết định lựa chọn nhà thầu trúng thầu tại Gói thầu số 14: Thi công xây dựng công trình, hạng mục Xây dựng tái định cư thuộc Công trình gia cố và di dời các hộ dân ven sông có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Giao thông Thủy lợi Hà Nội với vai trò độc lập trúng thầu với giá hơn 35,88 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 36,06 tỷ đồng. Như vậy, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước với tỷ lệ chỉ 0,5%.
Trước đó một ngày (ngày 23/12/2022), Giao thông Thủy lợi Hà Nội cũng 1 mình tham gia và đấu trúng Gói thầu số 05: Thi công xây dựng công trình, dự án Công trình gia cố sạt lở bờ biển từ Km39+Km45, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng (giá trúng thầu hơn 64,13 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 64,31 tỷ đồng). Như vậy, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước với tỷ lệ chỉ 0,3%.
Ngoài ra, Giao thông Thủy lợi Hà Nội cũng không có đối thủ khi đấu trúng Gói thầu số 02: Thi công xây dựng, nạo vét kênh và lắp đặt thiết bị (huyện Châu Thành, Mỹ Xuyên và thành phố Sóc Trăng), với giá trúng thầu hơn 34,94 tỷ đồng; giá dự toán hơn 35 tỷ đồng. Tiết kiệm cho ngân sách nhà nước với tỷ lệ gần 0,2%.
Lợi nhuận mỏng, nợ vay tăng cao
Việc liên tiếp trúng thầu ở các dự án công là một trong các yếu tố đưa về cho CTCP Giao thông Thủy lợi Hà Nội hàng trăm tỷ đồng doanh thu, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lại khá.
Cụ thể, năm 2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Giao thông Thủy lợi Hà Nội đạt hơn 203,23 tỷ đồng. Sang năm 2023, doanh thu của công ty tăng vọt lên 546,97 tỷ đồng, tăng hơn 343 tỷ đồng; tương đương mức tăng 170% so năm trước đó.
Lợi nhuận gộp của công ty trong năm 2022 đạt hơn 5,94 tỷ đồng; năm 2023 ghi nhận hơn 28,38 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt tương ứng lần lượt là: 780 triệu đồng và 2,15 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí, năm 2023 Giao thông Thủy lợi Hà Nội ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế hơn 1,72 tỷ đồng, trong khi năm trước đó chỉ lãi hơn 624,32 triệu đồng.
Tổng cộng tài sản của Giao thông Thủy lợi Hà Nội trong giai đoạn 2022 – 2023 biến động qua từng năm. Cụ thể, năm 2022 công ty có tổng cộng tài sản hơn 322,87 tỷ đồng; sang năm 2023 tăng lên 351,23 tỷ đồng, tương đương mức tăng 8% so với năm trước đó.
Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn của công ty năm 2023 chiếm gần một nửa tổng tài sản (168,95 tỷ đồng). Năm 2022 chiếm tỷ lệ 33,4% tổng tài sản. Hàng tồn kho tăng mạnh từ 46,90 tỷ đồng (năm 2022) lên 99,64 tỷ đồng (năm 2023).
Đáng chú ý, điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của Giao thông Thủy lợi Hà Nội không bắt nguồn từ việc kinh doanh kém hiệu quả, mà xuất phát từ cơ cấu nguồn vốn do tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao.
Cụ thể, năm 2022 vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là hơn 21,12 tỷ đồng; nợ phải trả ghi nhận hơn 301,75 tỷ đồng. Trong năm 2023, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là hơn 32 tỷ đồng; nợ phải trả hơn 319,22 tỷ đồng.
Theo đó, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (D/E) ghi nhận trong giai đoạn 2022 – 2023 lần lượt: gấp 14,3 lần và gấp gần 10 lần. Một con số đáng báo động.
Việc nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu đồng nghĩa với nguồn vốn của Giao thông Thủy lợi Hà Nội được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.