Giới trẻ có còn mặn mà với kênh gửi tiết kiệm?

"Không phải ai cũng có kiến thức và kinh nghiệm về đầu tư tài chính. Khẩu vụ rủi ro của mỗi bạn trẻ là khác nhau, thế nên gửi tiết kiệm qua ngân hàng vẫn là một kênh giúp họ tích luỹ tài sản an toàn", ông Nguyễn Hữu Quang, CEO ngân hàng số Cake by VPBank, cho biết.

Kênh tiết kiệm vẫn còn sức hút với giới trẻ

Gửi tiết kiệm là một trong những kênh đầu tư dễ tiếp cận nhất trên thị trường. Trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành xu hướng, việc gửi tiết kiệm còn trở nên dễ dàng hơn khi người tiêu dùng có thể thực hiện tại nhà bằng các hình thức trực tuyến trên ứng dụng ngân hàng số.

Ngoài ra, không thể phủ nhận tính an toàn của kênh đầu tư này khi người gửi tiền tiết kiệm chỉ “lỗ” trong trường hợp lạm phát cao hơn lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, đây là trường hợp hiếm khi xảy ra trên thị trường Việt Nam.

Với những ưu điểm nêu trên, kênh đầu tư này đã thu hút một lượng tiền nhàn rỗi lớn từ người dân. Tính đến cuối tháng 4/2022, số dư tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,5 triệu tỷ đồng, tăng 4,37% so với thời điểm cuối năm 2021, chiếm gần 40% tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế.

Theo TS. Trịnh Thị Phan Lan, Giảng viên khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, thói quen gửi tiết kiệm của người Việt đã được hình thành từ lâu. Điều kiện sống khó khăn của nhiều năm về trước đã hình thành nên thói quen chắt chiu, tiết kiệm thường thấy ở người già.

Ngày nay, cuộc sống của người dân không còn quá khó khăn về tài chính nhưng khả năng gặp rủi ro lại cao hơn, điển hình như đại dịch Covid-19 bùng phát nặng nề trong năm 2020-2021 vừa qua, đây là lý do mà mỗi người nên chuẩn bị một quỹ dự phòng dù muốn hay không.

TS. Trịnh Thị Phan Lan cho biết giới trẻ đã bắt đầu có ý thức tiết kiệm và ở độ tuổi lớn hơn, khi thu nhập cao hơn thì họ sẽ tiết kiệm nhiều hơn. Dù nhận định đối tượng sau 30 tuổi mới là khách hàng chất lượng của ngân hàng, vị tiến sĩ này cũng cho rằng ngân hàng không nên đợi khách hàng đạt tới độ tuổi đó mà hãy chăm sóc họ ngay từ bây giờ.

Theo bà Lan, những nhà đầu tư trẻ hiện nay thuộc tầng lớp tri thức trong xã hội, có sức khoẻ và khả năng kiếm tiền cao. Trong đó một tỷ lệ lớn là những người chưa phải dành phần chi tiêu cho con cái nên phần tiền dư mỗi tháng có thể khá dồi dào. Lớp nhà đầu tư ở độ tuổi này sẽ muốn thử sức ở thị trường chứng khoán hay tiền kỹ thuật số - kênh đầu tư cho tỷ lệ sinh lời cao hơn gửi tiết kiệm, một số khác sẽ bỏ tiền ra để kinh doanh.

Dưới góc nhìn của người làm trong ngành ngân hàng với kinh nghiệm phục vụ gần 2 triệu khách hàng cá nhân, trong đó phần lớn là khách hàng trẻ, ông Nguyễn Hữu Quang, CEO của Ngân hàng số Cake by VPBank lạc quan cho rằng kênh tiết kiệm vẫn nhận được sự ủng hộ lớn từ người trẻ.

“Không phải ai cũng có kiến thức và kinh nghiệm về đầu tư tài chính. Khẩu vị rủi ro của mỗi bạn trẻ là khác nhau, thế nên gửi tiết kiệm qua ngân hàng vẫn là một kênh giúp họ tích luỹ tài sản an toàn”, ông Nguyễn Hữu Quang cho biết.

Ngoài ra, đa phần giới trẻ trong xã hội hiện nay là những người lao động hưởng lương theo tháng, do đó sẽ có một khoản dư nhỏ định kỳ và số tiền này thường được tích luỹ dần bằng hình thức tiền gửi. Khoản tích luỹ này khi đủ lớn sẽ được các nhà đầu tư trẻ đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau như chứng khoán, quỹ đầu tư hay thậm chí là bất động sản.

Tích tiểu thành đại

Theo TS. Trịnh Thị Phan Lan, một vài ngộ nhận của người dân là không bao giờ giàu được bằng gửi tiết kiệm, hay xem kênh đầu tư này là lỗi thời, mất thời gian, chỉ phù hợp với người già. Đối với những người đã gửi tiết kiệm, một bộ phận có thể mắc những sai lầm như không có chiến lược và kỷ luật, không hiểu quy luật của lãi kép, rút tiền trước hạn vì mục đích cá nhân,… khiến việc đầu tư qua kênh gửi tiết kiệm trở nên không hiệu quả.

TS. Trịnh Thị Phan Lan nhận định, nhà đầu tư hoàn toàn có thể trở nên giàu có nếu biết tận dụng sức mạnh của lãi kép. Hiểu đơn giản, lãi suất kép là lãi cộng dồn, khi đến kỳ nhận lãi của khoản đầu tư, người gửi tiền lấy lãi đó nhập vào gốc, tiếp tục đầu tư chuỗi chu kỳ tiếp theo và kéo dài đến hết giai đoạn đầu tư. Sức mạnh của lãi kép theo TS. Trịnh Thị Phan Lan nằm ở thời gian.

Với cùng một mức lãi suất, số tiền không khác nhau quá nhiều giữa lãi suất đơn (không quay vòng gốc và lãi khi gửi tiết kiệm) và lãi suất kép, nhưng thời gian đầu tư càng dài, sự khác biệt sẽ càng lớn. “Nếu ai cho rằng gửi tiết kiệm ít hoặc như không có khả năng tích sản thì nên học cách sử dụng lãi kép để gia tăng tài sản một cách khôn ngoan”, nữ tiến sĩ này cho biết.

Chiến lược gửi tiết kiệm dành cho giới trẻ nói riêng và các lớp nhà đầu tư nói chung, theo bà Lan, là “không trì hoãn, vì chỉ cần trì hoãn, chúng ta đã có lý do để tiêu phần tiền đó”. Lời khuyên của TS. Trịnh Thị Phan Lan là dành ra một phần tiền để tiết kiệm trước khi chi tiêu và ngay sau khi nhận được thu nhập. Thông thường, tỷ lệ trung bình của phần tiền tiết kiệm này là chiếm 15-20% thu nhập. Nếu thu nhập càng cao thì phần tiền tiết kiệm có thể càng nhiều.

Ngân hàng hiện có nhiều chức năng giúp nhà đầu tư dễ dàng gửi tiết kiệm chỉ với một tài khoản ngân hàng và chế độ trích chuyển tiền tự động. Với những bạn trẻ có công việc không ổn định, TS. Trịnh Thị Phan Lan cho rằng có thể tiết kiệm dần từ 100.000 đồng. “Không có số tiền nào là nhỏ, nhiều giọt nước làm nên đại dương”, nữ tiến sĩ cho biết.

Hiện số tiền gửi tiết kiệm tối thiểu tại các ngân hàng dao động từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, theo tiết lộ của ông Nguyễn Hữu Quang, Ngân hàng số Cake cho phép mở tiết kiệm chỉ từ 100.000 đồng. Vị CEO này cho biết đã có những khách hàng trẻ sẵn sàng gửi số tiền lớn hàng tỷ đồng vào Cake. Như vậy, kênh gửi tiết kiệm chưa hẳn đã mất sức hút đối với giới trẻ.

Theo ông Nguyễn Hữu Quang, trong xu hướng bùng nổ của công nghệ số, các sản phẩm tài chính cần sự đơn giản, linh hoạt, an toàn nhưng vẫn bảo đảm mức sinh lời. Đặc biệt, với những khách hàng thế hệ mới (Millennials, GenZ), lớp nhà đầu tư này yêu thích công nghệ, sự đơn giản và linh hoạt trong quản lý tài chính thì sản phẩm tài chính càng phải “hay ho” để đáp ứng nhu cầu này.

Ngọc Thu

Theo VietnamFinance