Nới room tín dụng: Những ngân hàng sắp được nhận ‘quà’

Những ngân hàng được xem xét nới "room" tín dụng phải có hệ số an toàn vốn cao, mô hình quản trị rủi ro tốt, có sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho nền kinh tế hoặc nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém.

Ngân hàng mong nới room sớm để tăng cho vay ra nền kinh tế.
Ngân hàng mong nới room sớm để tăng cho vay ra nền kinh tế.

Xếp hạng cao được giao "room" tín dụng tốt hơn

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tới ngày 15/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 6,68%. Trước đó, tính đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,35%.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm lại. Trong hơn 1,5 tháng qua, tín dụng ngành ngân hàng chỉ tăng 0,27%.

Việc tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm quá cao khiến nhiều ngân hàng đã cạn "room" tín dụng và phải trì hoãn giải ngân suốt nhiều tuần qua. Nhiều doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh vì ngân hàng chưa được nới room tín dụng.

Liên quan đến việc nới "room" tín dụng, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc giải đáp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm được tổ chức sáng 26/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, muộn nhất là đầu tuần này, NHNN sẽ thông báo tăng trưởng tín dụng phần còn lại của năm nay nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Trước đó, đại diện NHNN nhiều lần khẳng định sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay. Đồng thời, NHNN giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàng dựa vào kết quả xếp hạng và chấm điểm theo quy định tại Thông tư 52. Các tiêu chí chấm điểm ngân hàng gồm: vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường.

Bên cạnh đó, việc phân bổ mức tăng trưởng tín dụng của NHNN năm 2022 cho từng tổ chức tín dụng (TCTD) cũng sẽ trên hai cơ sở chính.

Thứ nhất là theo kết quả xếp hạng từng TCTD theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52, xếp hạng cao sẽ được giao "room" tín dụng tốt hơn.

Thứ hai, việc cấp hạn mức tín dụng cao hay thấp cũng sẽ dựa trên việc xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; tiêu chí TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém…

Ngoài ra, các tiêu chí xét duyệt tín dụng của NHNN còn có mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR - hệ số an toàn vốn), năng lực quản trị rủi ro thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9...

Giới chuyên môn cho biết, năm nay, các yếu tố này cộng với việc giải ngân thực tế, chất lượng tín dụng trong mấy tháng vừa qua sẽ được dùng làm cơ sở để xem xét về bổ sung hạn mức tín dụng còn lại cho các ngân hàng trong 4 tháng cuối năm.

Những ngân hàng nào sắp được nới "room" tín dụng?

Thông tin NHNN sắp thông báo về việc nới "room" tín dụng khiến nhiều người mong chờ về danh sách các ngân hàng sẽ được nới “room”. Dựa theo tiêu chí xét duyệt tín dụng, xuất hiện những ngân hàng "sáng giá" sẽ được nới "room" trong thời gian tới, với mức độ nới tùy vào tình hình tài chính của từng ngân hàng.

Theo nhiều chuyên gia, những ngân hàng sẽ được NHNN xem xét nới "room" lần này có khả năng bao gồm cả nhóm Big 4 (gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank). Đây là những ngân hàng có sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho nền kinh tế theo lời kêu gọi của NHNN trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và cũng là những ngân hàng đăng ký chỉ tiêu cao trong gói hỗ trợ lãi suất 2%.Nới room tín dụng: Những ngân hàng sắp được nhận ‘quà’ - Ảnh 1

Bên cạnh đó, các ngân hàng có hệ số an toàn vốn cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MB, Vietcombank, Techcombank, VPBank, MSB, ACB, TPBank, HDB, VIB… được dự báo sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn so với nhiều TCTD khác và so với trung bình ngành trong dài hạn.

Ngoài ra, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác trong thời gian tới. Hiện có 4 ngân hàng đã công bố phương án hoặc có ý định nhận chuyển chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém là MB, HDBank, Vietcombank và VPBank.

Một số ngân hàng khác như: SHB, Sacombank, LienVietpostBank, Seabank, Eximbank, OCB... cũng có thể được NHNN cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng lần này.

Về hạn mức tăng trưởng tín dụng cụ thể với một số ngân hàng, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự đoán MB sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành từ 1,5-2 lần trong 3-5 năm tới. Trong năm 2022, theo ACBS, MB sẽ có mức tăng trưởng tín dụng 22%, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của hệ thống (14%).

Còn Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVCS) nhận định, Vietcombank sẽ được giao hạn mức tín dụng tích cực với mức ước tính cả năm 2022 vào khoảng 18-19%.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VNDirect dự đoán VPBank sẽ được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trong nửa cuối năm 2022, ước khoảng 23% vì có tăng trưởng tín dụng tích cực trong 6 tháng đầu năm.

Ngược lại, một số ngân hàng trong diện cảnh báo có tỷ trọng cho vay cao ở các lĩnh vực chứa nhiều yếu tố rủi ro (như đầu cơ chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…) trong thời gian sắp tới có thể bị hạn chế "room" tín dụng để bảo đảm hạn chế rủi ro hệ thống.

Linh Anh

Theo VietnamFinance