Gỡ vướng cho các dự án địa ốc: Người mừng vui, kẻ thấp thỏm hi vọng
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, năm 2024, nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn để các dự án bất động sản (BĐS) sớm triển khai vẫn được thực hiện quyết liệt, vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, không đùn đẩy, sợ trách nhiệm.
Người mừng vui, kẻ thấp thỏm hi vọng
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, điển hình là thị trường BĐS tại TP. HCM.
"Qua rà soát các dự án, chúng tôi thấy nổi lên vấn đề liên quan đến đất đai, quy hoạch, trình tự thủ tục đầu tư và pháp luật về nhà ở cũng như các luật khác có liên quan. Một khó khăn nữa là thực thi ở các địa phương có vấn đề. Trong nhiều báo cáo, chúng tôi đều làm rõ việc trách nhiệm thực thi ở các địa phương chưa quyết liệt để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án BĐS. Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan đến nguồn lực tài chính”, Thứ trưởng Sinh cho biết.
Theo Thứ trưởng Sinh, trên cơ sở nhận diện khó khăn, vướng mắc như vậy, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, đặc biệt là Nghị quyết 33 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS phát triển an toàn, ổn định, lành mạnh, 03 công điện đôn đốc các bộ, ngành, địa phương cũng như các DN. “Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đã có báo cáo cụ thể và trên cơ sở đề xuất của Tổ công tác, các bộ ngành, địa phương vừa qua đã có những tháo gỡ rất rõ nét", ông Sinh nói.
Điển hình là UBND TP. HCM đã có báo cáo kết quả thực hiện các yêu cầu theo đề nghị tổ công tác của Thủ tướng liên quan đến 30 nội dung kiến nghị về thị trường địa ốc, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại. Cụ thể, TP. HCM đã làm rõ các vướng mắc và chỉ đạo giải quyết 16 dự án. Còn 20 dự án, các sở, ngành vẫn đang tiếp tục rà soát pháp lý để xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Nhiều dự án đã có hướng giải quyết, khiến chủ đầu phấn khởi như: dự án Florita, Sunriver, dự án Boulevard, Asiana Riverside, Sunshine River City, khu cao tầng thuộc khu đô thị mới Đông Tăng Long, The Metropole Thủ Thiêm, chung cư cao tầng tại phường Trường Thọ, khu nhà ở Phước Nhân, khu đô thị Lê Minh Xuân, khu nhà ở Tân Kiên, Lancaster D4, The Artemis II, Moonlight Centre Point, Kingdom 101, chung cư Soái Kình Lâm.
Ngoài ra, TP. HCM có 6 dự án gặp vướng mắc về việc dành 20% quỹ đất tại dự án để xây nhà ở xã hội. UBND TP. HCM đã kiến nghị Tổ công tác làm việc với các bộ, ngành liên quan cho phép các dự án khi thực hiện hoặc điều chỉnh chấp thuận đầu tư được thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo văn bản UBND TP. HCM đã chấp thuận trước đây.
Theo đại diện của Sở Xây dựng TP. HCM, với sự chủ động, tích cực tháo gỡ như vậy, chắc chắn thị trường địa ốc năm 2024 của TP sẽ tăng mạnh nguồn cung, nhờ vậy sẽ sôi động hơn.
Dẫu vậy, nhiều chủ đầu tư của TP. HCM vẫn thấp thỏm chờ đợi được tháo gỡ trong năm 2024 để dự án được hồi sinh, điển hình như dự án tại số 3A - 3B Tôn Đức Thắng (quận 1), dự án căn hộ Lê Thành Tân Tạo 2, dự án khu nhà ở thấp tầng Tâm Đại Thành, tổ hợp cao ốc thương mại dịch vụ văn phòng và căn hộ tại đường Ba Tháng Hai (quận 11), dự án tại số 100 đường Cô Giang (quận 1)...
Ngoài ra, chủ đầu tư các dự án như: khu phức hợp căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ khách sạn tại số 428 - 430 Nguyễn Tất Thành (quận 4), dự án xây dựng chung cư 926 Võ Văn Kiệt và cao ốc 727 Trần Hưng Đạo (quận 5), dự án đầu tư xây dựng cụm 8 chung cư lô số ở cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh), dự án khu dân cư Nhơn Đức Nhà Bè (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) cũng đang chờ đợi nhận được ý kiến của các cơ quan liên quan, sớm tổng hợp trình UBND TP. HCM xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.
Các địa phương quyết tâm, trách nhiệm hơn nữa
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, 2024 vẫn là năm quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các DN và các dự án BĐS, cụ thể là Thủ tướng Chính phủ mới đây đã yêu cầu bộ trưởng các bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các DN quyết tâm hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa tháo gỡ khó khăn cho các DN và dự án địa ốc; tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, tuyệt đối không né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Một động lực cho thị trường năm 2024, theo Thứ trưởng Sinh, là Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023, nhất là quy định về trình tự, thủ tục triển khai các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị mới để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các luật, tránh khoảng trống pháp lý.
Bên cạnh đó, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ triển khai mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án BĐS, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, có tác động lan tỏa; đẩy nhanh việc phân cấp, ủy quyền, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết.
Trước động thái trên, nhiều chủ đầu tư bày tỏ hi vọng một năm mới sẽ có nhiều chuyển động hơn nữa trong công tác tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho DN. Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần đầu tư BĐS Phương Nam, ông Nguyễn Toàn, chia sẻ: “Chúng tôi sợ nhất là căn bệnh sợ trách nhiệm, né tránh của các cơ quan quản lý ở địa phương, khiến càng gỡ càng vướng. Chúng tôi mong năm mới, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ sát sao hơn với các địa phương, quyết liệt chỉ đạo gỡ vướng cho từng dự án cụ thể, chỉ có như vậy mới hy vọng sớm hồi sinh thị trường BĐS”.
Còn bà Bùi Phương Nga, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Địa ốc Đất Lành, cho hay DN mong muốn chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra tại sao việc giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án BĐS tại sao còn gây khó khăn, phiền hà, xử lý lòng vòng, chậm trễ. “Nói phải đi đôi với làm, chúng tôi khốn khó lắm rồi, dự án đắp chiếu của hai năm trời, giờ cơ quan quản lý nào mà lòng vòng là cần có biện pháp xử lý nghiệm, công khai, minh bạch luôn”, bà Nga thẳng thắn nói.
Dẫu vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, bên cạnh giải quyết vướng pháp lý, các DN BĐS cũng cần chủ động thực hiện một số giải pháp về nguồn vốn đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; hạn chế đầu tư dàn trải;, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản. Trong hoạt động đầu tư, các DN phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền. Có như vậy mới hy vọng cùng chung tay để thị trường nhộn nhịp trở lại trong một mùa xuân mới.