Góc nhìn chuyển động doanh nghiệp - Điều gì khiến Ricons kinh doanh đi lùi?
Xây dựng Ricons đặt kế hoạch kinh doanh 2023 đi lùi gần 50% khi lường trước rằng ngành xây dựng và bất động sản của Việt Nam được dự báo sẽ bước vào một chu kỳ khủng hoảng mới.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ vừa công bố, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần 6.000 tỷ đồng và lãi ròng 50 tỷ đồng, lần lượt giảm 47% và 45% so với kết quả năm 2022.
Trong khi đó, vào năm 2022, Xây dựng Ricons vẫn ghi nhận hơn 11.384 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 41% so với với năm trước. Trong đó, doanh thu từ các hợp đồng xây dựng đóng góp gần 11.218 tỷ đồng, cũng tăng xấp xỉ 41%. Tuy nhiên, mức tăng giá vốn có phần nhỉnh hơn khiến lãi gộp của công ty giảm 12%, còn 206 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính và lợi nhuận khác lần lượt tăng 97% và 19%, lên 73 tỷ đồng và 23 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận tăng chủ yếu do Ricons thực hiện hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành gần 15 tỷ đồng. Kết quả, Ricons lãi ròng gần 91 tỷ đồng trong năm 2022, tăng gần 14% so với năm trước.
Đáng chú ý, nợ phải trả và lãi vay của Ricons tăng khá mạnh trong năm 2022. Cụ thể, nợ phải trả của Ricons tăng mạnh 49%, lên 5.786 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay gấp hơn 3 lần đầu năm, ghi nhận gần 754 tỷ đồng, toàn bộ đều là các khoản vay ngân hàng. Chi phí lãi vay của công ty tăng vọt từ hơn 1 tỷ đồng lên gần 24 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến nợ phải trả tăng chủ yếu nằm ở giá trị khoản mục phải trả người bán ngắn hạn tăng 56%, lên 3.497 tỷ đồng.
Trong thông điệp gửi đến cổ đông, Chủ tịch HĐQT Ricons, ông Nguyễn Sỹ Công cho biết, năm 2023, ngành xây dựng và bất động sản của Việt Nam được dự báo sẽ bước vào một chu kỳ khủng hoảng mới với nhiều rủi ro mang tính toàn diện, khó lường. Trong hoàn cảnh này, có thể nói, Ricons đang đối diện với những thách thức lớn nhất kể từ khi thành lập tới nay, đặc biệt là về nguồn việc mới và dòng tiền.
Ngay trong quý đầu tiên của năm 2023, Xây dựng Ricons đã ghi nhận sự sụt giảm đồng thời của doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, quý I/2023, Ricons ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.718 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ do 2 mảng cốt lõi đều suy yếu: doanh thu hợp đồng xây dựng đạt 1.699 tỷ đồng, giảm 12%; doanh thu hoạt động bất động sản đầu tư đạt 16 tỷ đồng, giảm 78%.
Kết quý I/2023, lợi nhuận trước thuế của Ricons chỉ đạt 18,7 tỷ đồng, giảm 27%; lợi nhuận sau thuế 15,4 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Tại cuối quý I, tổng tài sản của Ricons đạt 7.177 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 57% tổng tài sản, đạt 4.119 tỷ đồng, giảm 11%. Hàng tồn kho chiếm 9% tổng tài sản, đạt 650 tỷ đồng, giảm 29%.
Nợ phải trả ghi nhận 4.753 tỷ đồng, với dư nợ vay tài chính 579 tỷ đồng (toàn bộ là nợ vay ngắn hạn).
Vốn chủ sở hữu 2.423 tỷ đồng, tăng 15 tỷ đồng so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Ricons là 1,96 lần, cải thiện đáng kể so với mức 2,4 lần hồi đầu năm.
Thực tế, dòng tiền kinh doanh quý 1/2023 của Ricons âm gần 126 tỷ đồng, chủ yếu do giảm các khoản phải trả. Dòng tiền cho vay, mua công cụ nợ của các đơn vị khác tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt 251 tỷ đồng. Công ty vẫn đẩy mạnh việc chi trả nợ gốc vay (570 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ), khiến lưu chuyển tiền và tương đương tiền trong kỳ âm 471 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Ricons vẫn có một lượng tiền lớn: tiền và tương đương tiền đạt 336 tỷ đồng, giảm 58% và tiền gửi có kỳ hạn (đầu tư tài chính ngắn hạn) 473 tỷ đồng, tăng 79%, tổng cộng 809 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Ricons tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Hưng Gia, được thành lập vào năm 2004. Lĩnh vực kinh doanh chính về đầu tư kinh doanh bất động sản. Trong giai đoạn này, Công ty đầu tư vào dự án bất động sản đầu tiên - Khu căn hộ cao cấp Botanic Towers. Sau khi hoàn thành bàn giao dự án này, Công ty đã khẳng định thương hiệu trên thị trường đầu tư bất động sản.