Góc nhìn sân chơi địa ốc của 'ông trùm' gameshow giải trí Rap Việt, Hành trình rực rỡ
Đơn vị sản xuất hàng loạt chương trình gameshow đình đám tại Việt Nam như Rap Việt, 2 Ngày 1 Đêm, Người Ấy Là Ai… đã quyết lấn sân đầu tư bất động sản.
Ông lớn đứng sau VieON với nhiều chương trình triệu view
Nhiều gameshow ăn khách trong thời gian gần đây như Rap Việt, Ca sĩ mặt nạ, Người ấy là ai, hay như chương trình truyền hình thực tế 2 ngày 1 đêm, Hành trình rực rỡ... nhanh chóng quen mặt với khán giả Việt và thu hút về hàng triệu lượt xem Youtube.
Đáng chú ý, tất cả các gameshow, truyền hình thực tế kể trên đều được phát hành bởi cùng một đơn vị - VieON - một ứng dụng xem nội dung giải trí trực tuyến của Công ty cổ phần VieON, thuộc Tập đoàn Đất Việt VAC.
Ngày 20/6/2019, DatViet VAC Group Holdings được thành lập, ông Đinh Bá Thành là người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty. Vốn điều lệ ban đầu của công ty là 5 tỷ đồng, trong đó, ông Đinh Bá Thành nắm 54,9% vốn, ông Đào Văn Kính nắm 35,1% và ông Hoàng Trọng Khải nắm 10%. Sau vài lần tăng vốn, tới tháng 2/2020, DatViet VAC Group Holdings có vốn điều lệ 649,23 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông xuất hiện thêm cổ đông ngoại MET VM Holding Pte (trụ sở tại Singapore) với tỉ lệ sở hữu 13,488%.
Ít người biết, ngoài truyền thông là thế mạnh, ông Đinh Bá Thành, ông chủ Đất Việc VAC còn mở rộng sang mảng kinh doanh bất động sản.
Dự án bất động sản của ông trùm Rap Việt kinh doanh ra sao?
Ông Thành là Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty The Nam Khang Corporation – Chủ đầu tư dự án Mandarin Oriental Đà Nẵng. Tại công ty này, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp (vợ ông Thành) trong vai trò Người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc từ năm 2013. Công ty này có trụ sở trùng với trụ sở của Tập đoàn Đất Việt VAC. Còn ông Thành là Chủ tịch HĐQT.
Cơ cấu cổ đông của The Nam Khang ghi nhận sự chi phối của ông Đinh Bá Thành với tỷ lệ sở hữu 60%, theo sau là bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp với 39% và Nguyễn Thị Khánh Ngọc 1%.
.
Giai đoạn 2018 – 2020, tổng tài sản của The Nam Khang tăng trưởng khá mạnh, từ 146 tỷ đồng lên 474 tỷ đồng, tức tăng gấp 3 lần, hầu hết là tài sản ngắn hạn.
Điểm nổi bật trong cơ cấu tài sản là sự tăng trưởng cực mạnh của các khoản phải thu ngắn hạn, từ 797 triệu đồng lên 332 tỷ đồng, tức tăng gấp 416 lần. Tính ra, khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 90% tổng tài sản vào năm 2019 và 70% năm 2020 – một tỷ trọng đáng quan ngại.
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2018 – 2020, The Nam Khang chưa ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Doanh thu tài chính chỉ lẻ tẻ vài triệu đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý trung bình khoảng 10 tỷ đồng. Suốt giai đoạn này, công ty liên tiếp lỗ sau thuế với mức lỗ lần lượt là: -9,3 tỷ đồng, -11 tỷ đồng và -9,2 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2020, số lỗ lũy kế đã lên đến 52 tỷ đồng, kéo vốn chủ sở hữu của công ty xuống mức 473 tỷ đồng.
Dòng tiền tài chính có dương nhờ nhận vốn góp của chủ sở hữu song không đủ để bù đắp sự thiếu hụt. Hậu quả là lưu chuyển tiền thuần âm lên tục với mức âm ngày càng nặng: -3,6 tỷ đồng (2018), -29,8 tỷ đồng (2019) và -31,1 tỷ đồng (2020).
Đối với dự án chủ chốt The Nam Khang Resort Residences cũng vướng phải khá nhiều vấn đề. Dự án này có vị trí khá ấn tượng, với chiều dài bờ biển đến 30km, nối liền Đà Nẵng ở phía Bắc với phía Nam Hội An . Theo quảng cáo của chủ đầu tư, The Nam Khang Resort Residences sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2024.
Tuy nhiên, dự án được xem là một trong những dự án ’siêu treo’ ở Đà Nẵng, được ’rào chắn’ bởi bức tường bê tông nham nhở, bên trong khá trống trải, được cho là đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trồng dừa…
Dự án bỏ hoang trong 6 năm, đến năm 2021 cập nhật tên thương mại mới: Mandarin Oriental Da Nang. Được biết, dự án được đổi tên sau khi chủ đầu tư ký thoả thuận hợp tác cùng Mandarin Oriental Hotel Group.
Cập nhật mới nhất, tháng 9 năm 2023, dự án The Nam Khang Resort Residences (Mandarin Oriental Da Nang) lại vào danh sách kiểm tra tiến độ sử dụng đất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng. Nguyên nhân là vì công trình đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định của pháp luật đất đai.