BQT chung cư bị phạt 120 tỷ tiền thuế: Chế tài hành chính cao hơn hình sự?
Chuyên gia Nguyễn Văn Được cho rằng, việc cơ quan thuế ra quyết định xử phạt như vậy là chưa hợp lý bởi chế tài hành chính cao hơn hình sự. Đồng thời, có thể gây ra nhiều hệ luỵ cho doanh nghiệp và môi trường kinh doanh
Phạt gần 120 tỷ: Quyết định gây hoang mang
Mới đây, chi cục Thuế huyện Bình Chánh (nay là Đội Thuế huyện Bình Chánh), trực thuộc Chi cục Thuế khu vực II, vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn đối với Ban Quản trị chung cư Conic Đông Nam Á.
Theo đó, Ban Quản trị chung cư Conic Đông Nam Á đã bị xử phạt 119,8 tỷ đồng vì không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho cư dân theo Quyết định số 505/QĐ-XPHC ngày 27/02/2025 của Chi cục thuế huyện Bình Chánh đang được lan truyền trên mạng thông tin đại chúng.
Trong đó, tình tiết tăng nặng là Ban Quản trị chung cư này đã vi phạm nhiều lần. Ngoài hình thức phạt tiền, nhà chức trách buộc Ban Quản trị chung cư Conic Đông Nam Á phải khắc phục hậu quả bằng cách lập lại hóa đơn và giao cho cư dân.

Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín cho biết, trong thực tế xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn, không chỉ trường hợp như Ban quản trị chung cư bị phạt với số tiền gần 120 tỷ, còn rất nhiều doanh nghiệp khác cũng bị phạt với bản chất tương tự số tiền rất lớn, khiến DN không thể thực hiện nghĩa vụ thuế gây hoang mang và bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp suốt thời gian qua.
Ông Được đánh giá, điều này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình hoạt động, cũng như sự tồn tại của doanh nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền phạt mà còn làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả, hiệu lực của công tác xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.
Về trường hợp này, ông Được cho rằng, quyết định xử phạt của cơ quan thuế đối với Ban quản trị chung cư vì hành vi không lập hoá đơn, sẽ có hai trường hợp đặt ra cụ thể.
Thứ nhất, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính được lặp đi lặp lại tại nhiều thời điểm khác nhau (vi phạm nhiều lần) cơ quan thuế sẽ phạt lỗi theo hành vi với tình tiết tăng nặng tức là chỉ phạt một hành vi. Cụ thể trong trường hợp này là hành vi cung cấp dịch vụ nhiều lần không lập hóa đơn thì xử phạt một hành vi vi phạm là Không lập hóa đơn với tình tiết tăng nặng.
Thứ hai, mỗi một lần Ban quản trị không lập hoá đơn khi cung cấp dịch vụ sẽ tính là một lần vi phạm và bị cơ quan thuế xử lý lỗi “từng hành vi”. Trường hợp này vi phạm nhiều lần không lập hóa đơn thì cộng tất cả các lần vi phạm này với tình tiết tăng nặng.
Theo ông Được, với con số phạt đến gần 120 tỷ như trong quyết định cho thấy cơ quan thuế đã xử phạt theo trường hợp thứ 2 tức là phạt theo “từng hành vi”.
Do đó, đại diện của Công ty TNHH kế toán và tư vấn Thuế Trọng Tín cho rằng, quyết định xử phạt hành chính đối với Ban quản trị chung cư Conic Đông Nam Á là chưa hoàn toàn phù hợp với quy định và thực tế.

Dẫn chứng cho nhận định này, ông Được phân tích các căn cứ.
Đầu tiên, theo khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) quy định nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp “một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.”
Cũng tại khoản 2, Điều 10, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Hành vi vi phạm hành chính nhiều lần đã được quy định là hành vi vi phạm hành chính thì không được coi là tình tiết tăng nặng. Như vậy, theo các quy định nêu trên: Hành vi vi phạm nhiều lần được chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng thì không xử phạt hành chính về từng hành vi vi phạm.
Mặt khác, tại điểm b, khoản 1 Điều 6 Nghị định 125 năm 2020 quy định tình tiết tăng nặng trong lĩnh vực thuế, hóa đơn được xác định theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định tình tiết tăng nặng đối với hành vi vi phạm nhiều lần:… “b. Vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm”; … “2. Tình tiết quy định tại Khoản 1 Điều này đã được quy định là hành vi vi phạm hành chính thì không được coi là tình tiết tăng nặng’’.
Vướng mắc phát sinh do quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 125 năm 2020 về việc vi phạm hành chính nhiều lần được xác định là “tình tiết tăng nặng” tại nhiều thời điểm khác nhau như phân tích nêu trên không được quy định và loại trừ để xác định xử phạt một hành vi.
Tuy nhiên, Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi bổ sung năm 2020 là văn bản cao nhất có giá trị thi hành trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính.
“Cơ quan thuế vận dụng quy định tại Nghị định 125 để xử phạt từng hành vi đối với trường hợp vi phạm nhiều lần được xác định là tình tiết tăng nặng liệu đã phù hợp với Quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi năm 2020?”, ông Được đặt câu hỏi.
Chế tài hành chính cao hơn hình sự?
Cũng theo ông Được, về nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền khi xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, mức phạt tiền tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn và phạt tiền tối đa không quá 200.000.000 đồng đối với người nộp thuế là tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế.
Ông Được nêu quan điểm, với mức phạt tiền tối đa theo quy định nêu trên mặc dù hiện nay vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau nhưng tinh thần xử lý vi phạm hành chính mang tính chất giáo dục và răn đe.
Vì vậy việc xử phạt hành chính vi phạm thủ tục không lập hóa đơn lên đến gần 120 tỷ đồng là điều bất hợp lý cũng như không phù hợp với thực tế tạo thêm gánh nặng cho người nộp thuế.
Mặt khác, chế tài xử lý vi phạm về thuế theo Bộ luật hình sự 2015 hiện nay về tội trốn thuế với mực phạt tiền tối đa 4.5 tỷ đồng đối với cá nhân và 10 tỷ đồng đối với tổ chức (Điều 200). Hoặc là, phạt cá nhân tối đa 500 triệu và tổ chức 1 tỷ đồng đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn (Điều 203).
“Nói cách khác, chế tài xử lý hành chính cao hơn rất nhiều chế tài xử lý hình sự là chưa phù hợp với tinh thần xử lý hành chính và hình sự”, ông Được khẳng định.

Ông Được cho biết, mức tiền phạt trong xử phạt vi phạm hành phải đảm bảo đồng thời những yêu cầu khác nhau như: Tính thích đáng với hành vi và hậu quả của vi phạm hành chính gây ra; tính phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như điều kiện về mặt tài chính của từng đối tượng vi phạm cụ thể nói riêng; và tính răn đe của chế tài xử phạt nhằm giúp giảm thiểu vi phạm hành chính có thể xảy ra.
Theo đại diện Trọng Tín, kết luận nội dung tố cáo và Đối chiếu các quy định nêu trên cho thấy vi phạm đã làm thất thoát khoảng trên 453 triệu đồng tiền thuế nhưng xử phạt hành chính lên đến gần 120 tỷ đồng cho thấy việc xử phạt hành chính như vậy là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Ông Được quan ngại, mức phạt rất cao gây áp lực cho người bị xử lý vi phạm hành chính (doanh nghiệp, người nộp thuế...), khiến không có khả năng thi hành quyết định xử phạt hành chính dẫn đến mục tiêu của xử lý vi phạm hành chính không đạt được. Đồng thời cũng sẽ là nguyên nhân dẫn đến các quyết định xử phạt hành chính không được thi hành trong thời hạn 12 tháng theo quy định.
“Liên quan đến vấn đề xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn và các trường hợp tương tự Trọng Tín đã gửi các văn bản kiến nghị đến các cơ quan nhà nước nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Chúng tôi rất mong sự vào cuộc của Cục thuế, Bộ Tài chính cũng như Chính phủ để tránh làm ảnh hưởng đến niềm tin của cộng đồng DN”, ông Được trăn trở.