“Góc tối” của ông lớn nông nghiệp PAN: Nợ vay “phình to” dù lãi nghìn tỷ

Năm Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HoSE: PAN), ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.148 tỷ đồng. Tuy nhiên, dư nợ vay tài chính tăng 30% so với đầu năm, lên 11.700 tỷ đồng. Ngoài ra, ông lớn nông nghiệp này cũng có khoản đầu tư chứng khoán lên đến 10.000 tỷ đồng.

 

“Góc tối” của ông lớn nông nghiệp PAN: Nợ vay “phình to” dù lãi nghìn tỷ - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Nợ vay “phình to”, có đáng lo?

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 mới được Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN công bố cho thấy, doanh nghiệp đã ghi nhận doanh thu quý IV/2024 đạt 4.267 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 427 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ.

Đóng góp vào sự tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của quý IV, mảng tôm xuất khẩu chiếm tới 114%; cá tra xuất khẩu chiếm 41%; hạt và hoa quả sấy chiếm 21%, trong khi mảng nông dược & khử trùng giữ được mức tương đương với quý IV/2023, vốn là mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay. Các mảng giống cây trồng, gạo đóng túi và bánh kẹo suy giảm nhẹ từ 8 – 10% do yếu tố lệch mùa vụ kinh doanh.

Luỹ kế cả năm 2024, doanh thu của Tập đoàn PAN ghi nhận đạt 16.184 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ và hoàn thành 109% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 1.148 tỷ đồng, tăng 40,5% và hoàn thành 130% so với kế hoạch lãi 882 tỷ đồng trong năm 2024. Đây cũng là lần đầu tiên lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn vượt mốc 1.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại thời điểm cuối quý IV/2024, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Tập đoàn PAN ở mức tương đối cao (1,7 lần). Trong đó, dư nợ vay tài chính tăng 30% so với đầu năm, lên 11.700 tỷ đồng. Thuyết minh cho biết, 98% trong số đó là vay ngắn hạn. Nợ vay tăng cao khiến doanh nghiệp phải gánh gần 354 tỷ đồng tiền lãi vay trong năm 2024.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc gặp gỡ trực tuyến với nhà đầu tư thông tin về bức tranh kinh doanh 2024 và triển vọng năm 2025, đại diện Tập đoàn PAN diễn giải, nếu trừ đi các khoản tiền mặt và chứng chỉ tiền gửi, thực tế nợ ròng không cao. Theo đại diện PAN, đây là chiến lược sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, tức là các khoản đầu tư lành mạnh và có kiểm soát.

"Mặt bằng lãi suất nửa đầu năm 2025 nhìn chung vẫn ở mức hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, Tập đoàn không quá lo ngại biến động lãi suất đối với hoạt động đầu tư trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi. Tập đoàn PAN sẽ không chịu rủi ro, đồng thời cam kết lãi suất đầu vào sẽ thấp hơn lợi suất đầu ra, qua đó gia tăng lợi ích cho cổ đông và công ty", đại diện công ty khẳng định.

Mang gần 10.000 tỷ đồng đi đầu tư chứng khoán

Có một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính của PAN đó là tính đến cuối năm 2024, doanh nghiệp này ghi nhận khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh gần 10.000 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm.

“Góc tối” của ông lớn nông nghiệp PAN: Nợ vay “phình to” dù lãi nghìn tỷ - Ảnh 2
Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2024 của PAN.

Trả lời câu hỏi về việc "dùng gần 9.900 tỷ đồng để đầu tư vào danh mục chứng khoán kinh doanh", lãnh đạo Tập đoàn PAN cũng nhấn mạnh đây là phương án tối ưu hóa lượng tiền nhàn rỗi và đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp nhằm tạo ra lợi nhuận.

Năm qua, tập đoàn thu về 432 tỷ đồng từ lãi tiền gửi, trái phiếu và cho vay, gần tương đương năm 2023. Sau khi khấu trừ chi phí, hoạt động tài chính đem về 33 tỷ đồng - gấp 3 lần cùng kỳ. Riêng lợi nhuận ròng từ đầu tư trái phiếu, cho vay và thu lãi tiền gửi tăng 7,5 lần YoY, đạt 79 tỷ đồng, đóng góp 6,9% vào cơ cấu lợi nhuận toàn tập đoàn (trong khi năm trước đó chỉ ở mức 1,3%).

Với định hướng phát triển trọng tâm vào thủy sản, nông nghiệp và thực phẩm đóng gói, sau hơn 30 năm hoạt động, PAN Group gần như hoàn tất chuỗi giá trị khép kín sau hơn một thập kỷ đẩy mạnh M&A. Tuy nhiên, sự mở rộng nhanh chóng đi kèm với việc gia tăng vay nợ cũng khiến cổ đông lo lắng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PAN tăng 20% trong năm 2024, vượt xa mức tăng 12% của VN-Index. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 5% (tương ứng 104 tỷ đồng).

“Góc tối” của ông lớn nông nghiệp PAN: Nợ vay “phình to” dù lãi nghìn tỷ - Ảnh 3
Nguồn: FireAnt.

Đế chế của “ông trùm” chứng khoán SSI

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (PAN) tiền thân là Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình được thành lập năm 1998 với tổng số vốn ban đầu là 250 tỷ đồng. Năm 2010, Công ty niêm yết cổ phiếu trên HoSE. Công ty còn có các ngành kinh doanh chính trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, xuất khẩu thủy sản, chế biến, đóng gói, kinh doanh giống cây trồng và vật tư cây trồng,... Công ty là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm tại thị trường Việt Nam. Cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm đóng gói cho thị trường trong nước và các thị trường khác trên thế giới.

Năm 2012, công ty bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp với việc mua 2,6 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF), tương ứng 20,2% vốn cổ phần công ty.

Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Duy Hưng. Trên thương trường, tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Duy Hưng gắn liền với vai trò là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán SSI - công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy, việc PAN rót lượng tiền lớn vào chứng khoán kinh doanh không phải là điều quá bất ngờ khi doanh nghiệp này cùng nằm trong hệ sinh thái đầu tư do ông Nguyễn Duy Hưng và hai người em trai điều hành.

Hà Thu

Theo Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam