Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay 8/8: PVD, TCB và PAN
ACBS lặp lại khuyến nghị mua với giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phiếu TCB là 43.000 đồng/cổ phiếu. Giá mục tiêu của ACBS tương đương với P/E và P/B dự phóng 1 năm là 7,6 lần và 1,1 lần.
PVD: VDSC giữ nguyên giá mục tiêu 26.800 đồng/cổ phiếu
Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HoSE: PVD) đạt doanh thu 1.413 tỷ đồng và LNST cổ đông công ty mẹ 161 tỷ đồng trong quý II/2023. Hiệu quả của 2 mảng khoan và dịch vụ kỹ thuật cải thiện với biên lợi nhuận tốt hơn so với cùng kỳ. Đáng chú ý, PVD ghi nhận 70 tỷ đồng tiền đền bù từ việc chấm dứt hợp đồng khoan với khách hàng Valeura.
PVD đã tìm được các hợp đồng khác thay thế cho hợp đồng khoan bị hủy bởi Valeura. Với các hợp đồng khoan mới, CTCP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng giá cho thuê giàn trong cả năm 2023 của PVD sẽ không có nhiều thay đổi hoặc thậm chí có thể tích cực hơn khi mà giá giàn trong khu vực hiện đang ở mức cao
Trong quý III/2023, PVD nhiều khả năng sẽ ghi nhận thêm phần còn lại của khoản bồi thường từ việc hợp đồng bị hủy. Với khoảng thu nhập đột biến này, VDSC cho rằng lợi nhuận 2023 của PVD sẽ được củng cố.
VDSC cũng dự phóng doanh thu và LNST cổ đông công ty mẹ cả năm 2023 lần lượt đạt 4.997 tỷ đồng và 336 tỷ đồng.
Cổ phiếu PVD đã liên tục tăng trong thời gian gần đây để phản ánh kết quả kinh doanh tốt của PVD trong quý II/2023 cũng như cả năm 2023, 2024 dựa trên kỳ vọng giá cho thuê giàn khu vực tiếp tục duy trì mức cao như hiện tại. Tính đến thời điểm này, PVD chỉ mới ký được một phần các hợp đồng khoan cho năm 2024 với mức giá vào khoảng 90.000 USD/ngày. Điều này mới đảm bảo một phần lợi nhuận của công ty trong năm 2024.
Do đó VDSC giữ nguyên giá mục tiêu 26.800 đồng/cổ phiếu cho PVD đến khi xác nhận thêm các thông tin về việc ký hợp đồng 2024 cho các giàn khoan trong thời gian tới.
TCB: ACBS lặp lại khuyến nghị mua, giá mục tiêu 1 năm là 43.000 đồng/cổ phiếu
Lợi nhuận trước thuế 6 tháng năm 2023 của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) giảm 20,1% so với cùng kỳ chủ yếu do NIM giảm mạnh. Chi phí vốn tiếp tục tăng trong quý II/2023 do huy động tiền gửi lãi suất cao trong giai đoạn quý IV/2022-quý I/2023, dù đà tăng đã chậm hơn. Trong khi đó TCB giảm lãi suất cho vay trong quý II/2023 khiến NIM giảm. Điểm sáng đến từ tỷ lệ CASA tăng 3 điểm phần trăm trong quý II/2023.
Tỷ lệ nợ xấu tăng 22 điểm cơ bản q/q, nhưng vẫn đang được kiểm soát ở mức tốt là 1,07%. Tỷ lệ nợ xấu tăng đến từ cho vay cá nhân và SME. Dư nợ cho vay DN lớn vẫn duy trì tỷ lệ nợ xấu 0%. Tỷ lệ nợ nhóm 2 tiếp tục duy trì ở mức cao quanh 2% nhưng ban lãnh đạo kỳ vọng tỷ lệ nợ nhóm 2 sẽ bắt đầu giảm trong quý III/2023. Dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Nợ xấu tăng lên trong khi chi phí dự phòng ở mức vừa phải khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống mức 116%.
Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo NIM của TCB sẽ bắt đầu phục hồi kể từ quý III/2023 và NIM cả năm 2023 ở mức 4,1%, thấp hơn 127 điểm cơ bản so với năm 2022. ACBS cũng kỳ vọng NIM năm 2024 sẽ tiếp tục phục hồi 20 điểm cơ bản lên 4,3% nhờ chi phí vốn tiếp tục giảm và CASA tăng trở lại.
Ban lãnh đạo tin rằng áp lực nợ xấu gia tăng vẫn còn tiếp diễn, tuy nhiên, tốc độ gia tăng của nợ xấu sẽ ở mức thấp. ACBS dự báo chi phí tín dụng sẽ ở mức 0,5% dư nợ trong năm 2023 và 2024, cao hơn so với mức 0,4% trong năm 2022.
ACBS dự phóng lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 của TCB đạt 22.500 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2022 (kế hoạch ĐHCĐ: 22.000 tỷ đồng). Cho năm 2024, lợi nhuận của TCB dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn, đạt 27.600 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023, chủ yếu nhờ NIM phục hồi.
ACBS cũng lặp lại khuyến nghị mua với giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phiếu TCB là 43.000 đồng/cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu thu nhập thặng dư. Giá mục tiêu của ACBS tương đương với P/E và P/B dự phóng 1 năm là 7,6 lần và 1,1 lần.
PAN: VCBS khuyến nghị mua, giá mục tiêu 32.683 đồng/cổ phiếu
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) trong 6 tháng đầu năm đạt lần lượt là 5.597 và 267 tỷ đồng, giảm lần lượt là 13% và 33% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng thủy sản có sự giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do năm nay bước vào thời kỳ thấp điểm của ngành, hàng tồn kho ở các nước nhập khẩu chính vẫn đang còn dư nhiều, đồng thời nhu cầu bị suy yếu do ảnh hưởng của lạm phát. Mảng nông nghiệp và thực phẩm sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ do 6 tháng đầu năm đang là mùa vụ thấp điểm.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá triển vọng của PAN bao gồm: giá lúa gạo duy trì ở mức cao, cùng điều kiên thời tiết ôn hòa hơn các quốc gia khác tạo lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất nông sản ở Việt Nam; Nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ trở lại ở nửa cuối năm 2023 là động lực cho giá cá tra và tôm hồi phục dần từ quý III; Sản lượng của FMC sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian tới nhờ mở rộng vùng nuôi và xây dựng các nhà máy mới; Mảng bánh kẹo có khả năng đem về nhiều doanh thu trong quý III khi Trung Thu đến gần.
Rủi ro của PAN gồm: Thiếu hụt nguồn cung ngũ cốc trên toàn cầu khiến chi phí chăn nuôi tăng cao; Tồn kho cá tra và tôm vẫn đang ở mức cao, khiến giá các mặt hàng thủy sản vẫn đang duy trì ở mức thấp; Diễn biến thời tiết thất thường ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng các mặt hàng nông sản; Giá đường tăng cao ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của mảng bánh kẹo.
VCBS ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu PAN là 32.683 đồng/cổ phiếu dựa trên phương pháp FCFF và so sánh hệ số EV/EBITDA đồng thời đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PAN.