Hà Đô thời ông Nguyễn Trọng Thông: Từ xí nghiệp Quốc phòng thành tập đoàn nghìn tỷ
Ở tuổi ngoài 70, ông Nguyễn Trọng Thông - người sáng lập và là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hà Đô vẫn giúp doanh nghiệp này mang về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Trong đơn từ nhiệm, ông Thông cho biết vì tuổi tác, sức khỏe và để đảm bảo pháp luật về người có liên quan, ông muốn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và cũng không tham gia HĐQT công ty.
"Tôi đã chuẩn bị chu đáo cho việc từ nhiệm, bàn giao chức vụ và rút khỏi HĐQT. Tôi đã bồi dưỡng, xây dựng được lực lượng kế nhiệm và đã có ý kiến trong 2 kỳ đại hội thường niên năm 2022 và năm 2023", ông Thông chia sẻ.
Trong đơn từ nhiệm, ông Thông cũng đánh giá HĐQT sẽ có chút lo lắng sự từ nhiệm này có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty. Vì vậy, mặc dù không còn tham gia vào HĐQT, vì trách nhiệm trước cổ đông và nhà đầu tư, ông có thể vẫn tiếp tục hỗ trợ và tham vấn cho hoạt động của HĐQT sau khi chuyển giao với vai trò là "Chủ tịch sáng lập" để giúp đỡ HĐQT hoạt động ổn định, đảm bảo vốn đầu tư của cổ đông tiếp tục hiệu quả.
Đại tá Quân đội làm Chủ tịch HĐQT Hà Đô
Ông Nguyễn Trọng Thông sinh năm 1953 tại Hà Tĩnh. Ông từng tốt nghiệp trường Đại học Xây dựng sau đó đã xung phong lên đường nhập ngũ. Trong giai đoạn 1979 - 1989, ông Thông trở thành sĩ quan rồi sau đó được phong quân hàm Đại tá.
Đến năm 1990, ông Thông đề xuất với Bộ Quốc phòng thành lập Xí nghiệp xây dựng. Xí nghiệp này trực thuộc của Viện Kỹ thuật Quân sự.
Năm 1993, Xí nghiệp xây dựng được Bộ Quốc phòng quyết định chuyển thành Công ty Xây dựng Hà Đô. Ông Thông là người gắn bó với Hà Đô từ khi mới thành lập đến nay, đặt nền móng cho sự phát triển của Tập đoàn này.
Đến năm 2004, Công ty Hà Đô đã tiến hành cổ phần hóa và chuyển thành Công ty cổ phần Hà Đô. Sau 6 năm hoạt động, công ty chính thức chuyển đổi thành Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô. Bên cạnh đó, công ty còn chính thức niêm yết trên sàn HoSE với mã cổ phiếu HDG.
Từ một xí nghiệp xây dựng nhỏ, sau 30 năm dưới sự dẫn dắt ông Thông, Hà Đô đã trở thành tập đoàn lớn mạnh với hệ thống 11 công ty con và 3 công ty liên kết hoạt động đa lĩnh vực. Đồng thời tập đoàn còn tạo công việc cho hơn 1.500 người lao động trên khắp cả nước.
Theo báo cáo quản trị mới nhất, tính đến 31/12/2023, ông Thông sở hữu hơn 97,3 triệu cổ phiếu HDG, tương ứng tỷ lệ 31,83% vốn công ty. Tạm tính theo giá cổ phiếu HDG vào ngày 26/7 là 28.800 đồng/cổ phiếu, ông Thông có giá trị tài sản khoảng 2.800 tỷ đồng.
Từ "trùm thủy điện" đến "trùm bất động sản"
Nhắc đến Hà Đô phải kể đến các công trình thủy điện tầm cỡ như Nhạn Hạc tại Nghệ An (tổng mức đầu tư lên đến gần 2.000 tỷ đồng) hay Nậm Pông cũng tại Nghệ An (tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng).
Ngoài ra, Hà Đô cũng đã xây dựng thêm 3 nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bao gồm Sông Tranh 4 (tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng), Za Hưng (tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng) và Đăk Mi 2 (tổng mức đầu tư 4.700 tỷ đồng).
Năm 1994, dưới sự điều hành của ông Thông, Tập đoàn Hà Đô đã bắt đầu bước chân vào thị trường bất động sản cùng những dự án lớn như tiểu khu đô thị Nam La Khê, Hà Đông, Hà Nội, chung cư Phùng Khoang, chung cư 38 Hoàng Ngân, Hà Nội.
Theo thông tin trên trang web của tập đoàn này, hiện Hà Đô đang triển khai gần 50 dự án bất động sản và năng lượng, cung cấp 2 triệu m2 nhà ở.
Ngoài ra, Hà Đô còn đầu tư xây dựng những dự án “khủng” gồm: Hado Centrosa Garden tại quận 10, TP. HCM; Hado Green Lane tại quận 8, TP. HCM; Hado Charm Villas tại Hoài Đức; Alila Bảo Đại The Imperial House tại Nha Trang; Nongtha Central Park tại trung tâm thủ đô Viêng Chăn (Lào).
Ngoài ra, Hà Đô còn có nhiều dự án khác như Hado Dragon City, khu đô thị mới Dịch Vọng, dự án Ibis Saigon Airport tại TP. HCM...
Dưới thời ông Thông, Hà Đô ghi nhận lợi nhuận vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đơn cử như năm 2023, tập đoàn này ghi nhận doanh thu đạt 2.889 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 866 tỷ đồng.
Trong đó, năng lượng tiếp tục là lĩnh vực chiếm tỷ trọng chủ đạo, đóng góp 1.938 tỷ đồng doanh thu, tương đương 67% cơ cấu doanh thu. Lĩnh vực bất động sản và dịch vụ khai thác, cho thuê văn phòng, khách sạn đạt 950 tỷ đồng, chiếm 33% doanh thu của Hà Đô.
Cũng trong năm 2023, Hà Đô đã tiến hành M&A các dự án thủy điện mới, thông qua việc cho phép Công ty cổ phần ZaHưng (thành viên của Tập đoàn Hà Đô) nhận chuyển nhượng 99% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng thủy điện Sơn Linh. Đây là chủ đầu tư 2 dự án thủy điện Sơn Nham (9MW) và Sơn Linh (15MW) thuộc tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Dự kiến 2 nhà máy này sẽ đưa vào vận hành trong giai đoạn 2026 - 2027.
Kết thúc quý I/2024, Hà Đô ghi nhận doanh thu đạt 847 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 264 tỷ đồng, giảm 26%. Trong năm nay, Hà Đô đặt kế hoạch doanh thu gần 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 972 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 0,2% và 12% so với năm 2023.
Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của HDG đạt 14.259 tỷ đồng, giảm 1,2% so với đầu năm. Cơ cấu doanh thu ghi nhận sự suy giảm của các khoản phải thu, đạt 1.701 tỷ đồng, giảm 9% và chiếm 12% tổng tài sản. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đứng yên ở mức 115 tỷ đồng.
Hàng tồn kho trong 3 tháng đầu năm giảm 13%, còn 931 tỷ đồng, chiếm 6,5% tổng tài sản, chủ yếu là bất động sản đang xây dựng. Bên cạnh đó, HDG cũng có 801 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, đều là các bất động sản dở dang như: khu nghỉ dưỡng Bảo Đại (198 tỷ đồng), khu đô thị Linh Trung (490 tỷ đồng)…
Đáng chú ý, tiền và tương đương tiền đạt 578 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với đầu năm.
Nợ phải trả tại ngày 31/3/2024 đạt 6.766 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay đạt 5.313 tỷ đồng, giảm 2%, chủ yếu là nợ vay dài hạn.
Với vốn chủ sở hữu 7.493 tỷ đồng, tăng 3,6% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,9 lần.