Hà Giang đề xuất rót gần 10.000 tỷ làm đường cao tốc nối Tân Quang - Thanh Thủy
Hà Giang hiện đang đề xuất đầu tư gần 10.000 tỷ đồng làm 40km cao tốc Tân Quang - Thanh Thủy theo tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100.
Theo đề xuất ban đầu, đoạn tuyến cao tốc Tân Quang - cửa khẩu Thanh Thủy có tổng chiều dài tuyến khoảng 59km; điểm đầu kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), xã Tân Quang, huyện Bắc Quang; điểm cuối tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang.
Tổng mức đầu tư dự kiến 9.800 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ phần chi phí xây dựng 8.325 tỷ đồng; ngân sách địa phương dùng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư 1.475 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện đầu tư đường cao tốc từ Tân Quang đến cửa khẩu Thanh Thủy từ năm 2024 đến năm 2028.
Tuy nhiên, hiện tại, đoạn tuyến Quốc lộ 2 từ TP Hà Giang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy dài khoảng 20km đã đạt tiêu chuẩn đường cấp III, mật độ dân cư dọc tuyến thưa, không chịu áp lực giao thông.
Để phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn, trước mắt, UBND tỉnh Hà Giang đề xuất đầu tư tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 39,42 km với điểm đầu trùng với điểm cuối (Km27+480) của Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang; điểm cuối tại Km66+900, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang.
Dự án sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, vận tốc thiết kế 100km/h, một số đoạn tuyến qua địa hình đặc biệt khó khăn thiết kế cấp 80, vận tốc thiết kế 80km/h; quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe theo quy hoạch, chiều rộng nền đường 25,25 m.
Trên cơ sở đó, tổng mức đầu tư dự án là 9.866 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 747 tỷ đồng; chi phí xây dựng 7.120 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác 712 tỷ đồng; chi phí dự phòng 1.287 tỷ đồng.
Về tiến độ triển khai dự án, UBND tỉnh Hà Giang cho biết, từ năm 2024 - 2025 sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, trong đó năm 2024, tỉnh Hà Giang sẽ bố trí 50 tỷ đồng (từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi) để làm công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập dự án đầu tư, lập thiết kế dự án sau bước nghiên cứu khả thi.
Từ năm 2026 - 2028 sẽ thực hiện dự án (tổ chức đấu thầu các gói thầu xây lắp, khởi công) khi được Trung ương thẩm định nguồn vốn và giao cho UBND tỉnh Hà Giang làm cơ quan chủ quản.