Tỉnh là 'góc tam giác vàng' có 6 cao tốc và sân bay quốc tế, giá bất động sản đón loạt tín hiệu tích cực

Với nhiều yếu tố thuận lợi như sở hữu vị trí góc tam giác quan trọng của miền Nam, bất động sản tại tỉnh này đang dần hồi phục và có dấu hiệu rất tích cực trong năm 2024.

Đồng Nai là tỉnh cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ – vùng kinh tế phát triển và năng động nhất của cả nước. Trong đó, Đồng Nai là một trong ba góc của tam giác phát triển Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai. 

Bởi vậy, tỉnh này sở hữu hệ thống giao thông thuận tiện với nhiều tuyến đường huyết mạch quốc gia đi qua như quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51, quốc lộ 56; tuyến đường sắt Bắc - Nam; cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây; gần cảng Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, cụm cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu); ngoài ra còn có sân bay quốc tế Long Thành đang thi công. 

Theo quy hoạch, tỉnh Đồng Nai có 6 đường cao tốc chạy qua, đặc biệt là sân bay quốc tế Long Thành sẽ là điểm nhấn trong sự phát triển kinh tế vùng. Bất động sản nhờ vậy có thể được hưởng lợi từ hệ thống công trình giao thông công cộng này.

Đồng Nai có nhiều yếu tố thuận lợi để thị trường bất động sản phát triển
Đồng Nai có nhiều yếu tố thuận lợi để thị trường bất động sản phát triển

Chia sẻ tại tọa đàm "Bất động sản Long Thành cất cánh cùng sân bay" diễn ra đầu năm 2020, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, Long Thành giai đoạn sau năm 2017, sau khi các dự án hạ tầng giao thông lớn như sân bay Long Thành, đường Vành đai 3, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành… được công bố giá đất tăng vọt.

Bất động sản tại Đồng Nai đã định giá trên thị trường với những mốc thời gian quan trọng đó.

Khảo sát tại thời điểm năm 2017 của báo điện tử Vietnamnet, tại huyện Long Thành, những khu vực có bán kính cách dự án sân bay Long Thành 5-7km, giá đất được rao bán từ 3 tỷ/ha, 1,8 tỷ/ha đến 350 triệu/nền, 300 triệu/nền, 280 triệu/nền, 209 triệu/nền sổ hồng riêng... Khu vực Long Thành tăng giá cũng kéo giá đất tại các khu vực lân cận như ven TP. Biên Hòa, Cẩm Mỹ tăng theo.

Năm 2018, Đồng Nai bước vào thời kỳ "sốt đất", tập trung chủ yếu tại huyện Trảng Bom, Cẩm Mỹ với loại hình đất nền. Mỗi lô đất nền được rao bán khoảng 2 tỷ, tăng 20-30% so với năm 2017 (khảo sát từ trang batdongsan.com). 

Năm 2019, loạt dự án BĐS đã được công bố, chủ yếu là những khu đô thị tập trung tại Long Thành và Nhơn Trạch để đón đầu các công trình giao thông trọng điểm như cầu Cát Lái, sân bay Long Thành hay đường Vành đai 3.

Giai đoạn 2020-2021, nhiều doanh nghiệp lớn lúc này như Novaland, Đất Xanh, Nam Long, Tây Hồ, Kim Oanh... đã dịch chuyển xuống Đồng Nai để phát triển các dự án khu đô thị tại đây.

Hiện tại, theo số liệu báo cáo thị trường của Batdongsan.com cho thấy, trong tháng 1, do ảnh hưởng tình hình bất động sản "ảm đạm" mà nhu cầu tìm mua nhà đất Đồng Nai ghi nhận sụt giảm 3% so với tháng 12/2023. Tuy nhiên, điều trái ngược là lượt tìm mua nhà đất lại tăng 2,8%, đất nền dự án tăng 1,5% và tìm mua biệt thự liền kề tăng gần 11% so với tháng trước đó.

Tần suất tìm kiếm nhà đất nhiều nhất thuộc huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Định Quán. Cụ thể, Nhơn Trạch tăng hơn 10%, Định Quán tăng 7,7% và Vĩnh Cửu là 8,6%.

Xét về giá bán, thị trường Đồng Nai ghi nhận ổn định trong tháng vừa qua. Đà giảm sâu đã chững lại và duy trì mức cân bằng 7-25 triệu đồng/m2 với đất nền và tầm 1,5-3 tỷ với nhà riêng lẻ.

Nhóm sản phẩm đất nền có mức giá 8-13 triệu đồng/m2 và diện tích phổ biến 70-120m2 được quan tâm tìm kiếm nhiều nhất thời gian qua. Đây cũng là sản phẩm có giao dịch cải thiện nhất thị trường giai đoạn này.

Theo ông Nguyễn Văn Cường - Trưởng Ban điều hành Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tại Đồng Nai đánh giá, năm 2024 cũng là “thời điểm vàng” của bất động sản Đồng Nai. Quý I, Quý II được xem là cơ hội để các nhà đầu tư có thể “bắt đáy”, sở hữu bất động sản tiềm năng với giá tốt và trong Quý III/2024 là lúc thị trường sẽ khởi sắc nhất.

Ngọc Trà

Theo Chất lượng và cuộc sống