Hà Nội kiểm tra hàng loạt dự án về việc thực hiện quy định về kinh doanh bất động sản

Đoàn sẽ thực hiện kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản về nội dung: dự án có thế chấp ngân hàng hay không...

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có thông báo kiểm tra việc thực hiện quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014; Luật Nhà ở 2014 tại các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm các sở, ngành: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Cục Thuế thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.Hà Nội, UBND các quận, huyện có dự án nhà ở thuộc đối tượng kiểm tra.

Đoàn sẽ thực hiện kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản về nội dung: dự án có thế chấp ngân hàng hay không; tiến độ bàn giao nhà cho người mua nhà và việc bảo lãnh tiến độ bàn giao nhà của chủ đầu tư cho khách hàng, chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân…

Đoàn kiểm tra cũng thực hiện kiểm tra việc thực hiện quy định về bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố; kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào kinh doanh.

Việc kiểm tra nhằm kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các chủ đầu tư khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật và kinh doanh bất động sản.

Hà Nội kiểm tra hàng loạt dự án về việc thực hiện quy định về kinh doanh bất động sản - Ảnh 1
Hà Nội kiểm tra việc thực hiện quy định về kinh doanh bất động sản. Ảnh minh họa
 

Thực tế, trên địa bàn TP Hà Nội đang tồn tại nhiều dự án nhà ở chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào kinh doanh, dẫn đến nhiều tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc cho khách hàng và dư luận.

Điển hình trong số đó là dự án Athena Complex Pháp Vân. Cụ thể, ngày 28/10/2021, Sở Xây dựng làm việc với UBND phường Hoàng Liệt, phòng Quản lý đô thị quận. Tại buổi làm việc, Sở Xây dựng khẳng định dự án Athena Complex Pháp Vân chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định. Việc chủ đầu tư tự ý ký hợp đồng mua bán căn hộ khi chưa đủ điều kiện là vi phạm pháp luật kinh doanh bất động sản năm 2014. Sau đó, Sở Xây dựng và UBND quận Hoàng Mai có văn bản yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương thực hiện một số nội dung để giải quyết kiến nghị của khách hàng.

Tuy nhiên, hiện chủ đầu tư chưa hoàn thành việc giải quyết các kiến nghị của khách hàng và tiến độ của dự án đang rất chậm gây bức xúc cho người dân, các khách hàng tiếp tục phản ánh chủ đầu tư cố tình chây ỳ, không tôn trọng khách hàng, làm chậm tiến độ bàn giao nhà.

Sau khi nắm bắt việc người dân căng băng rôn đòi quyền lợi, yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, bàn giao nhà cho cư dân và đề nghị Sở Xây dựng, UBND quận Hoàng Mai vào cuộc để giải quyết. UBND phường đã làm việc với đại diện các hộ dân và đề nghị các hộ dân giải tán tránh việc gây mất an ninh trật tự.

Được biết, dự án “Tòa nhà hỗn hợp Athena Complex Pháp Vân” (dự án Athena Complex Pháp Vân) của Liên danh nhà đầu tư Cty CP công nghiệp Hàn Việt Nam và Cty TNHH Phát triển Đô thị và Xây dựng 379 tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai).

Mới đây, Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Nội cũng vừa từ chối đề nghị thẩm định điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại dự án King Palace (108 Nguyễn Trãi) cho chủ đầu tư Hoa Anh Đào do không có các chứng từ thể hiện việc nộp nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư vào ngân sách nhà nước.

Trước đó, cuối tháng 6/2022, hàng trăm cư dân King Palace đã tập trung, treo căng rôn đòi quyền lợi từ chủ đầu tư với nội dung: “Đề nghị chủ đầu tư hoàn thiện dịch vụ và tiện ích, bàn giao sổ hồng và tổ chức hội nghị nhà ở”.

Được biết, đây là những hành động đòi hỏi quyền lợi của khách hàng tại dự án King Palace tới CTCP Bất động sản Hoa Anh Đào (chủ đầu tư) khi đã gần 2 năm trôi qua, cư dân mua nhà tại án King Palace chưa nhận được sổ hồng.

Theo công văn yêu cầu hoàn thiện hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính số 10506 được Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) gửi đến CTCP Bất động sản Hoa Anh Đào ngày 14/6/2022 cho biết, đơn vị này từ chối đề nghị thẩm định điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại dự án King Palace cho chủ đầu tư Hoa Anh Đào do chưa đủ điều kiện giải quyết.

Theo Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Nội, Ngày 04/8/2017, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 5217/QĐUBND giao CTCP Bất động sản Hoa Anh Đào diện tích 6973,0m2 đất tại số 108 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội đề thực hiện dự án Tòa nhà hỗn hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn căn hộ và nhà ở để bán (tên thương mại dự án King Palace).

Tuy nhiên, thành phần hồ sơ Công ty nộp đến Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đề nghị giải quyết thủ tục không có các chứng từ thể hiện việc nộp ghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư vào ngân sách nhà nước khi thực hiện dự án để khẳng định Công ty đã chấp hành đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định tại Điều 170 Luật Đất đai: là một trong những căn cứ xác định nhà, đất đủ điều kiện thực hiện việc đăng ký kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất.

Ngoài ra, theo Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội thành phần hồ sơ cũng chưa thể hiện có Hợp đồng thuê đất, biên bản bàn giao mốc giới trên bản đồ và ngoài thực địa để cơ quan đăng kí đất đai xác định Công ty đã chấp hành hoàn chỉnh tại khoản 1,3 quyết định số 5217/QĐ-UBND ngày 4/8/2017 của UBND TP Hà Nội về việc giao đất thực hiện dự án.

Đồng thời, vào năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan tới việc không thu: tiền chậm tiến độ, thu nhập doanh nghiệp tại dự án chung cư King Palace trong quá trình hình thành dự án.

Được bết, CTCP Bất động sản Hoa Anh Đào được thành lập ngày 23/9/2009 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm CTCP địa ốc Alphanam; Công ty TNHH Hoàng Tử và ông Nguyễn Tuấn Hải.

Tháng 1/2018, CTCP Bất động sản Hoa Anh Đào có vốn điều lệ doanh nghiệp đạt 210 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Hoàng Tử sở hữu 45%, Công ty Cổ phần địa ốc Alphanam đã thoái toàn bộ vốn tại đây, trong khi đó ông Nguyễn Tuấn Hải chỉ còn nắm giữ 0,1% vốn doanh nghiệp.

Đến tháng 3/2018, vốn điều lệ CTCP Bất động sản Hoa Anh Đào đạt 400 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Hiện nay, Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật CTCP Bất động sản Hoa Anh Đào là ông Nguyễn Tuấn Hoàng (SN 1975).

Ở một diễn biến có liên quan, trên một số trang website quảng cáo dự án King Palace và cũng theo thông tin chia sẻ từ các môi giới, căn hộ King Palace vẫn được giới thiệu là sản phẩm do Tập đoàn Alphanam làm chủ đầu tư.

Hà Nội kiểm tra hàng loạt dự án về việc thực hiện quy định về kinh doanh bất động sản - Ảnh 2
Hàng trăm cư dân tập trung, treo căng rôn đòi quyền lợi từ chủ đầu tư King Place. Ảnh: VTC News
 

Thêm một dự án nữa của chủ đầu tư Tập đoàn Alpha Nam vướng tai tiếng là Sakura Tower (Sakura Tower) tại 47 Vũ Trọng Phụng.

Cụ thể, ngày 25/7/2018, Thanh tra Chính phủ công bố công khai kết luận thanh tra, trong đó, dự án Sakura Tower đã khởi công xây dựng công trình trước khi được UBND TP Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và trước khi được cấp Giấy phép xây dựng.

Tại dự án này có công trình 28 tầng, vượt 2 tầng căn hộ ở so với Phương án kiến trúc và Hồ sơ xin phép xây dựng; xây dựng 2 tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch được phê duyệt và đã tự ý chuyển đổi công năng: Tầng kỹ thuật giữa tầng 2 và tầng 3 cao 4,5 m, hiện cho thuê làm văn phòng; tầng kỹ thuật giữa tầng 11 và tầng 12 cao 3 m, hiện đã chia phòng thành 14 căn hộ ở đã bán cho khách hàng; xây dựng 78 căn hộ không đúng hồ sơ cấp phép, dẫn đến người mua nhà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, gây bức xúc, ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà.

Cũng theo kết luận, việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp của dự án này không đúng. Cụ thể, liên ngành gồm Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và Cục Thuế trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất của Dự án Sakura Tower, đã đưa một số khoản chi phí vào tổng chi phí phát triển để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất không đúng với quy với số tiền hơn 34,4 tỷ đồng. Trong đó, chi phí kiểm định và chứng nhận phù hợp chất lượng là 2,16 tỷ đồng (1% chi phí xây dựng), chi phí dự phòng là hơn 32,2 tỷ đồng.

Được biết, tiền thân dự án là đất TP Hà Nội cho Công ty thức ăn chăn nuôi Trung ương thuộc Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam thuê để làm cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Tháng 7/2007 Công ty thức ăn chăn nuôi Trung ương thanh lý tài sản trên đất cho Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn; tháng 11/2007, UBND thành phố Hà Nội cho phép Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn thuê đất làm trụ sở và cơ sở kinh doanh.

Đến năm 2010, UBND thành phố Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

Đến ngày 18/1/2012, Sở Xây dựng Hà Nội mới cấp Giấy phép xây dựng số 13/GPXD để xây dựng dự án.

Đáng nói, dự án được khởi công từ quý IV/2009, trước khi được TP Hà nội cho phép chuyển đổi mục đích đất và cấp phép xây dựng.

Trước đó, năm 2010, nhiều khách hàng đã đặt mua căn hộ và ký hợp đồng mua bán nhà ở tại dự án này với công ty Hùng Tiến Kim Sơn với cam kết bàn giao căn hộ vào ngày 31/3/2012.

Vào thời điểm cuối năm 2011, nhiều cơ quan báo chí đưa tin "phanh phui" việc chủ đầu tư công trình Sakura Tower ở 47 Vũ Trọng Phụng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị phạt 500 triệu đồng vì xây dựng mà không có giấy phép…

Ngọc An

Theo Sở hữu trí tuệ