Hà Nội muốn sửa quy hoạch sân bay thứ 2 thành sân bay quốc tế

Theo quy hoạch mà Bộ Giao thông Vận tải đang trình Thủ tướng, sân bay thứ 2 vùng Thủ đô là cảng hàng không quốc nội. Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội kiến nghị nghiên cứu, quy hoạch sân bay này là sân bay quốc tế.

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo đề xuất quy hoạch sân bay thứ 2 vùng Thủ đô trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong văn bản, UBND TP. Hà Nội cho biết theo đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt có định hướng nghiên cứu sân bay quốc tế thứ 2 dự phòng cho tương lai để đáp ứng nhu cầu vận tải, dự phòng quỹ đất cũng như phân bổ nhu cầu, tạo động lức phát triển cân đối trong vùng.

Các vị trí dự kiến nghiên cứu sân bay thứ hai của Hà Nội gồm: khu vực huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 60 - 65km; khu vực phía nam Hà Nội tại huyện Ứng Hòa, cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 35 - 40km; khu vực huyện Thanh Miện, huyện Bình Giang (tỉnh Hải Dương), cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 45 - 50km; khu vực huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 120km.

Theo UBND TP. Hà Nội, trong quá trình tham gia ý kiến về quy hoạch hệ thống sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu bổ sung quy sân bay quốc tế thứ 2 có quy mô phù hợp, nâng tổng công suất sân bay toàn thủ đô đạt 130-150 triệu hành khách/năm đến năm 2050 để đáp ứng dự báo, nhu cầu vận tải hàng không của Hà Nội và vùng thủ đô.

Tuy nhiên, tại đồ án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Giao thông Vận tải đang trình Thủ tướng Chính phủ chỉ xác định cảng hàng không thứ 2 Thủ đô Hà Nội là cảng hàng không quốc nội.

UBND TP. Hà Nội đánh giá vùng Thủ đô có dân số dự báo đến năm 2050 khoảng 21-23 triệu người, tổng diện tích khoảng 24.314km2, cơ bản tương đồng với vùng TP. HCM (dân số 24-25 triệu người, diện tích khoảng 30.400km2). 

Trong khi đó, quy hoạch hệ thống sân bay toàn quốc do Bộ Giao thông Vận tải đang trình Thủ tướng đã định hướng quy hoạch 2 sân bay quốc tế cho vùng TP. HCM là Tân Sơn Nhất và Long Thành, với tổng công suất khoảng 150 triệu hành khách/năm.

Do vậy, UBND TP. Hà Nội cho rằng với vùng Thủ đô cũng cần thiết quy hoạch 2 sân bay quốc tế để đáp ứng nhu cầu vận tải tương ứng, dự phòng quỹ đất, tạo động lực phát triển cân đối trên địa bàn Thủ đô.

Căn cứ chủ trương của Trung ương về định hướng quy hoạch sân bay thứ 2 của Thủ đô, định hướng quy hoạch vùng Thủ đô, UBND TP. Hà Nội đề nghị Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh, xác định tính chất, chức năng sân bay thứ 2 của Thủ đô là sân bay quốc tế.

Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch sân bay này làm cơ sở để UBND TP. Hà Nội cập nhật, bổ sung vào quy hoạch Thủ đô.

Tại hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII mới đây, TP. Hà Nội cũng đã cập nhật một số phương án nghiên cứu đề xuất vị trí sân bay thứ 2 theo nghiên cứu của Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải.

Ngoài phương án 1 là các huyện Thanh Oai và Thường Tín, quy mô diện tích 1.300ha; Hà Nội bổ sung thêm phương án 2 tại huyện Ứng Hòa (có diện tích khoảng 1.700ha, liên quan 7 xã, dân số bị ảnh hưởng 10.000 người).

Ưu điểm khu vực trục không gian phía Nam kết nối đô thị trung tâm với khu vực sân bay thứ 2. Liên kết khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển khu vực phía Nam.

Chí Bình

Theo VietnamFinance