Hai tuyến đường ven sông Hồng: Cao bao nhiêu là đủ?

GS.TS Bùi Xuân Cậy ủng hộ quan điểm làm hai 2 tuyến đường ven sông nhưng cao độ bằng với bãi hiện có hoặc tương đương lũ báo động 1.

Trong tuần qua, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng lại nóng lên khi Bộ NN-PTNT có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội cho ý kiến về quy hoạch này.

Tại văn bản này, Bộ NN-PTNT nhất trí với nhiều nội dung của quy hoạch, nhưng cắt bỏ một số đề xuất của thành phố về cao trình 2 tuyến đường ven sông, không nhất trí giữ lại hai khu dân cư Bắc Cầu và Bồ Đề…

Đối với giải pháp quy hoạch về đê và đường ven sông (nâng cấp đê hiện có thành đường chính khu vực và xây dựng 2 tuyến đường ven sông, chạy dọc sông tại các khu vực dân cư được tồn tại, bảo vệ và các khu vực được nghiên cứu xây dựng mới), Bộ NN-TNT thống nhất với đề nghị của thành phố về việc nâng cấp đê hiện có đảm bảo an toàn chống lũ, kết hợp đáp ứng yêu cầu về giao thông.

Đồng thời thống nhất giải pháp quy hoạch xây dựng về đường giao thông trên nguyên tắc không thu hẹp không gian thoát lũ, không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới. Tuy nhiên, theo bản đồ quy hoạch, phương án đề xuất xây dựng 2 tuyến đường ven sông được kết hợp chức năng là đê ngăn lũ với cao trình mặt đường +12,0 (trên mức lũ báo động 3) tương tự việc hình thành đê bối mới là không phù hợp.

Trao đổi với Đất Việt, GS.TS Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng khoa Công trình, Đại học Giao thông Vận tải nhất trí với ý kiến Bộ NN-PTNT làm hai 2 tuyến đường ven sông nhưng cao độ bằng với bãi hiện có hoặc tương đương lũ báo động 1 để lũ cao hơn có thể chảy tràn.

"Quan trọng là quy định chiều rộng tối thiểu thoát lũ và chiều rộng đường đủ lớn", ông nói.

Theo GS Cậy, nếu xây dựng 2 tuyến đường ven sông với cao trình mặt đường +12,0 như đề xuất của Hà Nội thì khi lũ về sẽ thu hẹp dòng chảy. Cho nên, chỉ nên củng cố, hiện đại hóa hệ thống 2 đê hiện nay, có thể bê tông hóa, mở rộng chiều rộng xe chạy còn cao độ vẫn giữ nguyên. Hai tuyến đường xây dựng song song sát với bờ sông bằng cao độ bãi hiện nay, có thể làm thêm những đường nhánh nhỏ hơn, song song với đường chính (đê) để khi có lũ thì thành dòng tự chảy.

Vị nguyên Trưởng khoa Công trình cho biết thêm, trước đây Hà Nội đã xén, hạ thấp mặt đê để mở rộng mặt đường Nghi Tàm. Khi ấy, thành phố làm rất cẩn thận, đê bê tông, có cả hệ thống cọc cừ cắm sâu xuống. Tương tự, ở Viêng Chăn (Lào), đê cũng chỉ làm ở cao độ thấp rồi ốp mái bê tông, mở rộng không gian ra sát sông.

Diện tích đất ngoài bãi sông Hồng rất lớn. Ảnh: Zing  
Diện tích đất ngoài bãi sông Hồng rất lớn. Ảnh: Zing  
 

Bên cạnh đó, GS.TS Bùi Xuân Cậy cũng tán thành với quan điểm của Bộ NN-PTNT là cần phải di dời các khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề. Theo dõi trên bản đồ, ông cho biết, đây là những khu dân cư nằm sát bờ sông, thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn khi có lũ, do đó cần phải di dời. Quy hoạch 257/QĐ-TTg (Phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình) năm 2016 cũng đã xác định di dời từng bước những khu dân cư.

Cùng cho ý kiến về vấn đề này, GS.TS Trương Đình Dụ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đồng tình với quan điểm phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan xanh, đô thị sinh thái của Hà Nội.

Ông cũng cho rằng Hà Nội cần chú trọng đến xây dựng 2 tuyến đường chạy dọc sông Hồng. Đây sẽ là tuyến giao thông chính, liên kết giao thông phân khu đô thị với giao thông trên toàn thành phố. Tuyến đường này sẽ quyết định đến trục cảnh quan, kiến trúc đô thị, là điểm nhấn cho toàn bộ quy hoạch sông Hồng.

Dù vậy, theo quan điểm riêng của GS.TS Trương Đình Dụ, nên xây dựng hai tuyến đường ven sông Hồng kiêm luôn chức năng đê chính. Khi ấy, cao trình mặt đường phải nâng lên (hiện nay cao trình đê chính khoảng + 14), đồng thời những nơi sát sông hiện nay thì phải đóng cọc cừ, làm sâu xuống tận đáy sông để bảo vệ bờ.

Trước lo ngại không gian thoát lũ bị thu hẹp khi nâng cao trình mặt đường, GS Trương Đình Dụ cho rằng, không gian thoát lũ, tức khoảng cách giữa 2 đê cần phải tính toán để đảm bảo lũ cao nhất không vượt qua được.

"Không gian thoát lũ phụ thuộc vào khoảng cách giữa 2 đê và phụ thuộc cả vào độ sâu của sông đoạn ấy.

Hiện nay đê hai bờ sông Hồng có điểm không hợp lý: có nơi khoảng cách giữa hai đê rất hẹp, chỉ chừng 1,1km, như đoạn ở cầu Long Biên, song cũng có nơi khoảng cách rất rộng, lên tới 5km. Do vậy, phải chỉnh trị lại cho hợp lý, nơi hẹp thì mở rộng ra, nơi rộng thì thu hẹp lại.

Việc tính toán không gian thoát lũ thế nào thì thành phố Hà Nội và Bộ NN-PTNT phải ngồi lại với nhau, để khoảng cách giữa hai bờ sông chừng 2km là hợp lý", nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nói.

Thành Luân

Theo Đất Việt